Vấn đề cải cách giáo dục để chấn hưng đất nước là đòi hỏi bức thiết. Qua nhiều năm bàn thảo, tháng 7-2013, Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã đi vào cuộc sống. Nghị quyết được đánh giá là tiến bộ nhất của ngành giáo dục trong mấy thập kỷ nay.
Quyết liệt thay đổi
Vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện để nghị quyết có kết quả. Bộ GD-ĐT đã nói rõ quyết tâm này khi coi đây là một trận đánh lớn. Trong tình hình cụ thể, quả thật đây là một cuộc chiến gian khổ, gay go, phải quyết liệt mới mong vượt qua được cả núi khó khăn và lực cản từ thể chế, nếp nghĩ, thói quen cũ kỹ, lạc hậu và cả những rào cản chi phối giáo dục.
Ngay khi bắt tay đột phá vào khâu thi cử đã thấy hiển hiện biết bao lực cản. Mặc dù ai cũng biết thi cử nặng nề, căng thẳng, tốn kém quá mức cần thiết, là nỗi bức xúc triền miên của xã hội từ nhiều năm nay nhưng giải tỏa bức xúc ấy bằng biện pháp nào thích hợp là chuyện không hề đơn giản.
Rất may, bản dự thảo đổi mới việc thi và xét tuyển tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố đã được dư luận tiếp nhận khá thuận lợi. Nhìn chung, bản dự thảo thể hiện khá rõ tư duy đổi mới mà điểm chính là thay vì như mọi năm, thi tốt nghiệp THPT để ai đỗ mới có bằng tốt nghiệp thì từ đây chỉ là thi cuối cấp mà kết quả phải được xét kết hợp với kết quả học tập suốt năm lớp 12 để định đoạt tốt nghiệp hay không. Như vậy, bắt buộc học sinh phải học nghiêm túc toàn diện cả năm, tránh hiện tượng chỉ đến khi biết rõ thi tốt nghiệp những môn nào mới tập trung học những môn đó. Đồng thời theo dự thảo chỉ thi 2 môn bắt buộc (văn và toán) và 2 môn tự chọn, cho nên thi sẽ nhẹ nhàng và chú ý nhiều hơn đến xu hướng sở thích của từng học sinh, nhờ đó kết quả thi có thể sử dụng làm căn cứ giúp cho việc tuyển sinh ĐH dễ dàng hơn kiểu thi tốt nghiệp như trước đây.
Giảm gánh nặng thi cử
Với những cải tiến như thế, kỳ thi THPT nếu tổ chức nghiêm túc để bảo đảm độ tin cậy cần thiết thì hoàn toàn có thể thay thế kỳ thi “3 chung”. Vậy là bỏ được kỳ thi “3 chung”, chỉ còn một kỳ thi THPT tương đối nhẹ nhàng. Thi sẽ không còn là gánh nặng, căng thẳng, tốn kém như mọi năm. Đồng thời sẽ tránh được nhiều hiện tượng tiêu cực khi toàn bộ kết quả 12 năm đèn sách được đánh giá chỉ thông qua một kỳ thi, với những hệ lụy thường thấy về may rủi, học tài thi phận... Và điều quan trọng nhất, đổi mới thi cử sẽ góp phần đáng kể làm thay đổi cách dạy và cách học ở THPT theo hướng tích cực.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã bàn về kỳ thi ĐH trước khi bàn về thi tốt nghiệp THPT nên đã có quyết định vẫn giữ kỳ thi “3 chung” trong 3 năm tới, với lý do để giúp các trường ĐH có sẵn dữ liệu thông tin cần thiết khi tuyển sinh. Nhưng nay với những cải tiến mới về thi THPT như trên thì kỳ thi “3 chung” không còn thật sự cần thiết nữa. Vả chăng nếu kỳ thi “3 chung” vẫn tồn tại thì dù thi THPTcó được cải tiến thì những hệ lụy tiêu cực do thi cử vẫn còn nặng nề, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới. Có nghĩa là chưa đạt được yêu cầu đột phá như kỳ vọng.
Ngoài ra, cần chú ý 2 vấn đề khác cực kỳ quan trọng trong việc đổi mới giáo dục toàn diện và cơ bản. Đó là cải thiện chế độ đãi ngộ giáo chức và đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Hai vấn đề này là cốt lõi của đổi mới nhưng chưa thể giải quyết ngay một lúc mà đòi hỏi phải có thời gian. Trong khi chờ đợi, nếu giảm bớt được gánh nặng thi cử bằng cách bỏ bớt một kỳ thi (hoặc thi THPT hoặc thi “3 chung”) thì cũng có thêm điều kiện giải quyết tốt hơn 2 vấn đề cốt lõi đó, tạo được niềm tin vào quyết tâm thực hiện đề án đổi mới giáo dục toàn diện và cơ bản.
Cần chú ý 2 vấn đề cực kỳ quan trọng trong đổi mới giáo dục toàn diện và cơ bản. Đó là cải thiện chế độ đãi ngộ giáo chức và đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Hai vấn đề này là cốt lõi thể hiện sự đổi mới nhưng chưa thể giải quyết ngay một lúc mà đòi hỏi phải có thời gian.
Bình luận (0)