Điều này được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức quản lý trường học, góp phần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục” được tổ chức tại TP HCM cuối tuần qua.
Nhiều nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các trường bày tỏ dù tiếp cận nhiều phương pháp đổi mới trong các buổi tập huấn nhưng cuối cùng vẫn không hiệu quả.
ThS Nguyễn Minh Châu - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Bình Chánh, TP HCM - nhận định trong nhà trường, người thầy giữ vai trò quyết định, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào người thầy. Có thầy giỏi, ắt có trò giỏi. Do đó, đổi mới quản lý trường học còn phải là xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn, thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp.
Trong khi đó, ThS Võ Cao Long - Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận - nêu thực trạng một số giáo viên vẫn quan niệm rằng đổi mới phương pháp dạy học là phải sử dụng những phương pháp mới, hạn chế những phương pháp truyền thống (thậm chí có quan niệm bỏ cả phấn trắng, bảng đen). Tuy nhiên, dạy học hiệu quả hay không phải do bản thân phương pháp mà do người sử dụng phương pháp. Giáo viên sáng tạo bao giờ cũng tích cực, chủ động tổ chức hoạt động dạy học đa dạng, hiệu quả cho dù là phương pháp dạy học truyền thống.
Mặt khác, một số giáo viên lại tham gia quá nhiều các khóa tập huấn, tiếp xúc với quá nhiều tài liệu mà không nhận được sự định hướng cụ thể. Chẳng hạn, chuyên gia Bỉ nói về phương pháp động não, phương pháp đóng vai, kỹ thuật khăn phủ bàn…; chuyên gia Đức lại nói về phương pháp tình huống, quy nạp, diễn dịch; các chuyên gia Việt Nam lại bàn về dạy học và giải quyết vấn đề dạy học theo module. Trong khi đó, đối với công nghệ thông tin, phần lớn chỉ đạt yêu cầu về đổi mới, lạ về hình thức chứ chưa thật sự đi vào đổi mới tổ chức nội dung bài học. Vì thế, việc lạm dụng công nghệ thông tin rất dễ gây phản cảm, nhàm chán và phân tán sự chú ý của người học.
Nhiều nhà giáo nhận định rằng không có phương pháp giáo dục nào có thể thay thế người thầy cũng như không có hình thức đổi mới nào bằng việc chính người thầy phải thổi hồn vào bài giảng thì học trò mới có thể mê được. Nói như PGS-TSKH Thái Duy Tuyên: “Người thầy phải yêu bài dạy của mình trước. Dạy cái gì phải yêu cái đó đã rồi mới dạy hay, mới thấm vào lòng học trò được”.
Bình luận (0)