Ngày 31-1, đại diện ĐH Quốc gia TPHCM cho biết ĐH này dự kiến mở thêm 3 ngành mới đó là ngành ngữ văn Ý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Luật) và kỹ thuật vật lý hạt nhân (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM là 13.420, trong đó 12.570 chỉ tiêu ĐH và 850 chỉ tiêu CĐ, ổn định so với năm 2011.
Nhiều lựa chọn
Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết trường dự kiến mở thêm 2 ngành mới liên quan đến kỹ thuật công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử viễn thông nhằm tận dụng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của khoa điện tử viễn thông.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến tuyển 2.700 chỉ tiêu (tăng 50 chỉ tiêu), Trường ĐH Kiến trúc TPHCM tuyển 1.200 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu), Trường ĐH Nông Lâm TPHCM dự kiến tuyển 5.000 chỉ tiêu (tương đương năm ngoái)...
Tốp trên ổn định, tốp giữa tăng
Đến ngày 31-1, các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã hoàn tất việc gửi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 về Bộ GD-ĐT. Trong lúc chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường ở TPHCM có tăng nhẹ thì phần lớn các trường ĐH, CĐ ở các khu vực khác đều giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh, riêng các trường ngoài công lập, trường mới thành lập lại có xu hướng giảm.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết năm nay chỉ tiêu của trường chỉ dừng lại ở con số 1.000, ổn định như năm trước. Học viện Ngân hàng cũng sẽ giữ ổn định quy mô, tổng chỉ tiêu tuyển sinh 3.350, trong đó bậc ĐH là 2.300 và bậc CĐ là 1.050. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cũng cho biết học viện này dự kiến giữ chỉ tiêu ổn định như năm trước là 2.650.
Cần tự chủ trong xác định lệ phí
Việc Bộ GD-ĐT dự kiến cho phép thí sinh nộp bản photocopy kết quả thi để xét tuyển vào nhiều trường, theo đại diện các trường, dễ gây ra hiện tượng thí sinh ảo.
Để khắc phục, các trường đề nghị bộ xem xét để cho các trường tự chủ trong việc xác định mức lệ phí xét tuyển. Nếu các trường được tự chủ trong việc xác định mức lệ phí thì mức lệ phí của nhiều trường sẽ tăng so với mức cũ mà bộ quy định.
Khi thí sinh muốn nộp hồ sơ vào trường nào đó, họ sẽ căn cứ vào mức phí này để cân nhắc, chọn lựa chứ không nộp tràn lan nhằm tránh lãng phí tài chính
Th.Vinh |
Không nên thay đổi lịch tuyển sinh Đại diện các trường cho biết nếu cho phép mở thêm khối A1, các trường sẽ áp dụng tuyển sinh một số ngành theo khối thi này để tăng cơ hội cho thí sinh. Trước một số dự kiến thay đổi trong phương án tuyển sinh, ông Mỵ Giang Sơn cho rằng không nên thay đổi lịch tuyển sinh mà cần giữ lịch cố định, tạo sự ổn định cho cả trường và thí sinh. Bên cạnh đó, việc Bộ GD-ĐT để các trường tự xét tuyển thay vì quy định xét tuyển nguyện vọng 2, 3 như trước đây là thay đổi rất quan trọng và hợp lý, giúp các trường tự chủ trong việc xét tuyển.
Nếu có chủ trương này thì các trường có thể kéo dài xét tuyển đến đầu học kỳ II nhằm tạo cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển vào trường ĐH nào hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa đúng nguyện vọng có thể nộp hồ sơ để xét tuyển vào ngành, trường mà mình yêu thích. Việc các trường tự xét tuyển nhiều đợt trong năm không ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên, bởi hiện nay các trường đều đào tạo theo tín chỉ.
Th.Vinh |
Bình luận (0)