Đó là những thông tin mới nhất trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố chiều 18-12. Theo đó, kỳ thi sẽ tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và ngoại ngữ. Thí sinh (TS) không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng sẽ được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thời gian tổ chức kỳ thi dự kiến kéo dài từ ngày 1 đến 4-7-2015.
Đề thi ra theo hướng mở, phân hóa cao
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT (với TS đăng ký dự thi chỉ lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT - sau khi có kết quả thi, nếu có nguyện vọng vào ĐH, CĐ thì có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ dựa trên kết quả học tập THPT của TS theo đề án tuyển sinh riêng đã được công bố), TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và một môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS dự thi 4 môn toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn. TS cũng có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia 2015 sẽ tương tự đề năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ TS, phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ông Trinh cho biết đề thi theo hướng này sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông; đồng thời bảo đảm tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi.
Phân hóa chi tiết kết quả thi
Năm nay, điểm của bài thi tự luận và trắc nghiệm đều được quy về thang 20 nhằm giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được những TS phù hợp với nguồn lực.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trong khi chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Những TS có các chứng chỉ quốc tế uy tín theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp. Theo ông Trinh, TS đạt chứng chỉ này có trình độ ngoại ngữ cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT, do đó khi xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được điểm tối đa 20/20. Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS muốn sử dụng kết quả môn ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ phải dự thi môn này trong kỳ thi THPT quốc gia.
Cấp 4 giấy chứng nhận kết quả
Ông Mai Văn Trinh cho hay mỗi TS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển, TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Như vậy, mỗi TS có 16 cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo Bộ GD-ĐT, TS ở tỉnh nào phải thi theo cụm mà bộ quy định. Dự kiến sẽ có khoảng 35 cụm thi trên cả nước.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định các trường ĐH, CĐ có thể lựa chọn các môn thi để tuyển sinh thay theo khối mà Bộ GD-ĐT quy định chung. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển các tổ hợp môn thi tương ứng với các môn thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.
Nếu thay đổi khối thi truyền thống, các môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD-ĐT, đồng thời thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.
Xét tuyển từ 6 điểm trở lên
Đối với trường sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng xét tuyển không nhỏ hơn 6 với hệ ĐH và 5,5 với hệ CĐ.
Trường ĐH, CĐ ở các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 1 điểm (theo thang điểm 10) so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quy định.
Bình luận (0)