Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2021, sáng 17-8, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tọa đàm - tư vấn trực tuyến với chủ đề "Cơ hội nào cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp?". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh giàu kinh nghiệm tại TP HCM.
Cơ hội nào cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp
Điều chỉnh phương thức xét tuyển
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh năm 2021 và những thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh đã được các chuyên gia kịp thời thông tin tại buổi tọa đàm, đặc biệt là những thông tin tác động trực tiếp đến 15.000 thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp năm nay. Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh không có điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể xét tuyển vào ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề nghị 2 ĐHQG (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để thí sinh được đặc cách tốt nghiệp tham gia dự thi nếu có nguyện vọng; ngoài ra, bộ cũng đề nghị các trường ĐH dành chỉ tiêu, bổ sung phương thức tuyển sinh để xét tuyển đối tượng thí sinh được đặc cách tốt nghiệp.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM, chia sẻ trực tuyến cùng các chuyên gia (Ảnh: TRẦN THẮNG)
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết dù có đến 15.000 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp vì không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nhưng tỉ lệ này chỉ hơn 1% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2021. Hiện nay, nhiều trường ĐH đã bổ sung phương thức xét tuyển mới để xét đối tượng thí sinh được đặc cách với tỉ lệ từng trường từ 3% tổng chỉ tiêu trở lên.
Trường ĐH Mở TP HCM cũng đã bổ sung phương thức xét tuyển cho thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp. TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét kết quả học bạ 5 học kỳ, xét kết quả học bạ kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Do vậy, những thí sinh được xét đặc cách mà trước đây chưa đăng ký xét tuyển vào trường thì nay được đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên website của trường trong khoảng thời gian quy định từ ngày 25 đến hết 17 giờ ngày 27-8.
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho biết trường dành 150 chỉ tiêu (tương ứng trên 3% tổng chỉ tiêu năm 2021) để xét tuyển học bạ (5 học kỳ) đối với thí sinh đặc cách tốt nghiệp, ngưỡng điểm xét tyển của thí sinh bằng điểm chuẩn học bạ đợt 1 năm 2021 mà trường đã công bố. Theo TS Lê Trung Đạo, từng trường có những quy định cụ thể về tiêu chí xét tuyển, thời gian xét tuyển, cách thức tính điểm..., do vậy, thí sinh cần nắm thông tin cụ thể từng trường để thực hiện đăng ký xét tuyển.
TS Nguyễn Đức Nghĩa đánh giá những giải pháp trên đã toàn diện để tạo điều kiện cho tất cả thí sinh được xét tuyển ĐH.
Mấu chốt là năng lực của chính thí sinh
TP HCM vừa quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15-9. Tuy nhiên, các trường ĐH đã linh hoạt trong việc tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng cách đăng ký online (trực tuyến).
TS Lê Xuân Trường cho biết Trường ĐH Mở TP HCM triển khai đăng ký xét tuyển diện đặc cách tốt nghiệp theo hình thức: đăng ký online trên trang tuyển sinh của trường. Theo kế hoạch, kết quả xét tuyển được trường công bố trước 17 giờ ngày 30-8, thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 1 đến 4-9.
TS Lê Trung Đạo cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, Trường ĐH Tài chính - Marketing tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển trên website của trường. Thí sinh sẽ nộp các loại giấy tờ nêu trên trực tiếp hoặc gửi bưu điện đến trường ngay khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Theo ông Đạo, thí sinh không nên lo lắng về chỉ tiêu bởi trong số 15.000 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp thì nhiều em đã trúng theo các diện tuyển thẳng, theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, theo phương thức xét học bạ nên số lượng thực tế còn lại sẽ không nhiều. Vấn đề quan trọng là năng lực của chính thí sinh chứ không phải là trường tốp này, tốp kia. Do vậy, thí sinh nên chọn ngành phù hợp, trường phù hợp để xét tuyển.
Tại chương trình, các chuyên gia khuyên thí sinh nên tận dụng tốt những cơ hội hiện có. Điểm trúng tuyển vào các ngành của các trường sẽ phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký và kết quả điểm số của thí sinh. Các trường khi xét tuyển sẽ xét điểm từ trên cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Hoàn tất công tác chuẩn bị thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM, cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 tại ĐHQG TP HCM về cơ bản đã hoàn tất. Hơn 26.000 thí sinh đăng ký dự thi đã được sắp xếp vào các cụm thi tại 4 tỉnh/thành phố bao gồm TP HCM, tỉnh An Giang (TP Long Xuyên), tỉnh Khánh Hòa (TP Nha Trang), TP Đà Nẵng. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 sẽ được tổ chức khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, ngoài 26.000 thí sinh đã đăng ký dự thi, ĐHQG TP HCM sẽ tạo điều kiện để những thí sinh đã đăng ký kỳ thi THPT năm 2021 nhưng không tham dự được do ảnh hưởng của dịch bệnh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Cụ thể, ĐHQG TP HCM sẽ phối hợp với các sở GD-ĐT địa phương tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng "đã đăng ký kỳ thi THPT năm 2021 nhưng không tham dự được do ảnh hưởng của dịch bệnh" nếu có nguyện vọng dự thi đánh giá năng lực sẽ đăng ký với sở GD-ĐT nơi mình đăng ký thi THPT năm 2021, sau đó sở GD-ĐT gửi danh sách thí sinh tới ĐHQG TP HCM. Căn cứ danh sách này, ĐHQG TP sẽ mở hệ thống để thí sinh đăng ký vào 1 trong 4 cụm thi. Chỉ những thí sinh có trong danh sách mới truy cập và đăng ký dự thi.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)