Trong khi những bậc học khác hoàn thành kiểm định khá thuận lợi thì bậc học mầm non tại TP HCM hoàn thành kiểm định lại vất vả, không những ở các trường ngoài công lập mà ở khối công lập cũng vô cùng gian nan vì thiếu chuẩn.
Khó đạt chuẩn về sĩ số, cơ sở vật chất
Theo số liệu từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, những năm qua, tính riêng bậc mầm non, trong tổng số 1.059 cơ sở giáo dục mầm non đăng ký thực hiện công tác tự đánh giá thì có 1.036 đã thực hiện, đạt tỉ lệ 97,83%. Trong số này, có 833 cơ sở đủ điều kiện đánh giá ngoài, 343 cơ sở đã thực hiện, đạt 41,17%.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP HCM, hoạt động đánh giá ngoài diễn ra liên tục và thường xuyên trong năm nhưng các trường ngoài công lập đăng ký đánh giá ngoài còn rất ít, bị động về nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, không ổn định về mặt tổ chức, thành lập và giải thể thường xuyên nên rất khó đăng ký đánh giá ngoài.
Một trong những khó khăn của kiểm định giáo dục mầm non là áp lực về sĩ số Ảnh: BẢO LÂM
Mặc dù kiểm định chất lượng giáo dục vừa là yêu cầu vừa là cơ sở để các trường khẳng định chất lượng giáo dục, tuy nhiên rất nhiều trường lại không mặn mà khi tham gia kiểm định.
Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1 tâm tư rằng trong số những tiêu chí của bộ kiểm định do Bộ GD-ĐT quy định, trường gần như đáp ứng được hết, cách đây 5 năm còn là trường chuẩn quốc gia. Nhưng mỗi năm, trước áp lực tuyển sinh quá lớn, trường buộc phải phá chuẩn… từ từ vì lý do sĩ số. "Dù tất cả hạng mục từ cảnh quan, cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, phòng chức năng, trình độ đội ngũ trường đều đạt trên chuẩn nhưng chỉ vì sĩ số đông, kéo theo quy định về diện tích lớp học/số trẻ không đạt nên trường chỉ hoàn thành ở mức độ 2" - vị này cho biết.
Sĩ số đông và cơ sở vật chất là 2 tiêu chí "khó nhằn" nhất khi các trường muốn hoàn thành kiểm định, nhất là với các quận, huyện hằng năm gặp áp lực về tuyển sinh. Cô Bùi Thị Minh Nguyệt - Phó Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, phụ trách mầm non - cho biết quận có 22/22 trường mầm non công lập hoàn thành kiểm định nhưng băn khoăn nhất vẫn là hiện nay, sĩ số trung bình bậc học mầm non tại quận là 40 trẻ/lớp.
Đạt hay không chẳng khác gì nhau (!?)
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết hiện quận có 26 trường mầm non công lập hoàn thành kiểm định, còn 2 trường mới xây dựng nên chưa đăng ký; riêng số trường ngoài công lập rất ít, lý do là các trường không đăng ký, không thật sự quan tâm. "Những đơn vị này ít chú ý đến chuyện lưu trữ sổ sách, thay đổi hiệu trưởng, giáo viên liên tục" - ông Huy nói.
Theo ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3), bắt đầu từ năm 2018, trường mới tiến hành đăng ký kiểm định, đồng thời sẽ lấy bộ tiêu chí của trường chuẩn quốc gia để phấn đấu. Ông Bình cũng cho rằng đang rà soát các tiêu chí nhưng thử thách nhất là cố gắng giữ được chuẩn sĩ số như hiện nay: từ 30-35 trẻ/lớp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu của ngành, thậm chí có những năm có trường bị ép tham gia kiểm định. Hiệu trưởng một trường mầm non dẫn chứng: "Quá trình kiểm định gồm 2 bước là tự đánh giá và đánh giá ngoài. Tự đánh giá thì trường nào cũng nhận mình đủ chuẩn; đến khi đánh giá ngoài, nếu không đủ chuẩn theo quy định thì có tình trạng… du di, qua loa, trong nhà bảo nhau nên cứ kiểm định là đạt hết".
Thế nhưng, theo lãnh đạo nhiều trường mầm non, lý do lớn nhất khiến các trường không mặn mà và tự nguyện đăng ký kiểm định là đến nay, chế độ, chính sách cho những trường đạt kiểm định không hơn gì những trường không đạt. "Chúng tôi phải gồng mình phấn đấu để đạt rất nhiều tiêu chuẩn. Ví dụ như trang trí cây xanh, lát gạch ở sân cho trẻ vui chơi, đầu tư bếp ăn theo quy trình vận hành một chiều, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ… tốn kém rất nhiều nhưng khi đạt chuẩn thì chế độ vẫn giữ nguyên. Đó là chưa tính đến chi phí giữ gìn, bảo trì qua quá trình sử dụng" - hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 3 nêu.
Quá tốn kém!
Theo một thành viên nhiều năm trong đoàn kiểm định của Sở GD-ĐT TP HCM, đã đến lúc các đơn vị không nên lấy số lượng các trường kiểm định làm tiêu chí thi đua dẫn đến tình trạng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. "Có những trường ở cấp phường, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề cũng phải kiểm định. Thế nhưng, một khi kiểm định thì thế nào cũng đạt, dù ở cấp độ 1 là thấp nhất hay lên mức 3 là cao. Khi đạt thì buộc phải tổ chức lễ đón nhận bằng kiểm định. Kinh phí để tổ chức buổi lễ, đón đoàn khách từ quận, phường, sở… phải khẳng định vô cùng tốn kém, làm khó cho các trường" - vị này băn khoăn.
Bình luận (0)