Mấy ngày nay, người dân thôn Tiên Hội (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) ai cũng mừng cho cậu học trò nghèo Bùi Chí Hướng, cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Cổ Loa, huyện Đông Anh, đỗ thủ khoa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với tổng điểm 27. Mừng nhưng ai cũng ái ngại làm sao Hướng có thể theo học đại học (ĐH) khi gia cảnh quá khó khăn.
Không gục ngã
Từ ngày bố mẹ mất, Hướng và 3 người chị nương tựa vào bà nội đã ngoài tám mươi. Cả nhà sống bằng khoản tiền hơn 1 triệu đồng từ chế độ mẹ liệt sĩ của bà nội. Mọi chi tiêu trong gia đình đều được đơn giản đến mức tối đa, sách vở của Hướng phần lớn mượn từ bạn bè, thầy cô và lấy trên mạng. Nhiều đêm học khuya sợ bà mất ngủ, Hướng phải vờ lên giường nằm trước rồi đợi bà ngủ say lại dậy học bài. Ngay trước ngày thi ĐH, anh rể của Hướng, người luôn có mặt bên cạnh động viên em, lại qua đời đột ngột khiến em càng bị sốc. Khó khăn trăm bề nhưng em bảo sẽ vượt qua tất cả để học.
Có hoàn cảnh giống Bùi Chí Hướng là thủ khoa Trường ĐH Hồng Đức Tạ Thị Tâm (xóm 1, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Bố mất khi Tâm mới 6 tuổi, một mình mẹ em nuôi 4 con ăn học. Thương mẹ vất vả, sau giờ tan học, Tâm lại ra đồng phụ giúp mẹ. Từ nhỏ, cô nữ sinh này đã thạo việc cấy hái, chăm đứa em út, giặt giũ, nấu cơm phụ giúp mẹ và các chị. Mỗi khi đến vụ mùa, mấy mẹ con Tâm gần như không có ngày nghỉ, có khi 3 giờ sáng đã ra đồng gặt lúa. Ngay trước ngày lên đường vào Thanh Hóa dự thi ĐH, Tâm cũng cố gắng cùng mẹ cấy nốt mấy sào lúa rồi mới đi thi. Ước muốn của cô gái nhỏ nhắn này là thi đỗ vào Học viện An ninh để không phải đóng học phí nhưng khám sức khỏe thì em bị loại vì thiếu chiều cao, vì thế lựa chọn của Tâm là một trường gần nhà để dễ dàng đỡ đần mẹ lúc có việc.
Nhà nghèo, mẹ bị bệnh tim đã 20 năm nhưng hằng ngày vẫn phải ra chợ bán rau khiến Nguyễn Diệu Hằng, cựu học sinh lớp 12E Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để mẹ vui lòng. Không có tiền học thêm, từ nhỏ Hằng đã rèn cho mình thói quen tự học. Từ những tài liệu mượn được của thầy cô, bạn bè, Hằng tự tìm tòi, nghiên cứu. Tân thủ khoa khối D4 của Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Vì tiếng Trung là ngôn ngữ tượng hình nên cái khó là phải nhớ mặt chữ. Cùng với việc học từ mới, hằng ngày em đều tự tổng hợp lại kiến thức từ bài giảng trên lớp và sách vở dưới dạng sơ đồ cây cùng với các từ khóa để sau đó tập trung làm nhiều bài tập. "Trở thành thủ khoa là món quà lớn nhất em dành cho mẹ vì em biết người bệnh tim rất cần đến nụ cười" - tân thủ khoa cho hay.
Nặng trĩu những nỗi lo
Nhưng niềm vui đỗ thủ khoa của Hằng như tan biến khi nghĩ đến chuyện học phí. Em cho biết nếu đi học nữa là bố mẹ sẽ phải nuôi 2 con cùng học ĐH, trong khi thu nhập gia đình trông cả vào quầy bán rau của mẹ ngoài chợ. "Em được đi học thì bố mẹ sẽ vất vả hơn. Em mong sẽ được nhà trường tạo điều kiện cho ở ký túc xá để đỡ khoản chi phí thuê nhà, sau đó sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống" - Hằng tâm tư.
Hãnh diện vì cô con gái đỗ thủ khoa nhưng chị Nguyễn Thị Thoi, mẹ em Tạ Thị Tâm, vẫn có những tâm sự đắng lòng. Chị bảo nhiều khi mong cho cô con gái trượt ĐH vì gia đình khó khăn quá, không lấy đâu ra tiền đóng học phí cho con, nhất là sang năm đứa con út cũng đến tuổi thi ĐH.
Nỗi lo của chàng "thủ khoa kép" Dù đỗ thủ khoa cả Trường ĐH Y Hà Nội (29,5 điểm) lẫn ĐH Thủy lợi (28,5 điểm), Lê Xuân Hoàng (lớp 12A1 Trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn canh cánh nỗi lo lấy tiền đâu để đi học.
"Thủ khoa kép" Lê Xuân Hoàng
Bố mẹ của Hoàng đều nghỉ mất sức từ hơn 20 năm nay, thu nhập của gia đình chưa đến 3 triệu đồng/tháng, cả nhà phải tằn tiện để hằng tháng có thể gửi một ít tiền cho anh trai Hoàng đang học năm thứ tư Trường ĐH Y Hà Nội. Thương bố mẹ vất vả, dù ước mơ trở thành bác sĩ nhưng chàng "thủ khoa kép" vẫn băn khoăn trước lựa chọn của mình. Bà Nguyễn Thị Bàn, mẹ của Hoàng, lo lắng: "Học ngành y tới 6 năm, lại vất vả hơn các trường khác, không biết vợ chồng tôi có lo nổi cho cả hai đứa con học ngành y cùng một lúc? Chắc là chúng tôi không lo được cho Hoàng nhưng cũng như anh trai Hoàng hiện vừa đi học vừa làm gia sư kiếm sống nên Hoàng khi vào ĐH cũng phải đi làm gia sư hoặc kiếm việc gì đó làm để có tiền đi học". |
Bình luận (0)