xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ nút thắt tự chủ đại học

Nhóm phóng viên

Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác. Do vậy, phải rà soát, sửa đổi các luật định để đồng bộ nhằm "cởi trói" cho các trường triển khai tự chủ

Ngày 12-11, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Tự chủ đại học (ĐH) và những vướng mắc cần tháo gỡ". Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng lãnh đạo 25 trường ĐH tại TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước. Những ý kiến thiết thực tại tọa đàm này đã khơi gợi nhiều khía cạnh cần tháo gỡ về vấn đề đang rất "nóng", đó là tự chủ ĐH.

Gỡ nút thắt tự chủ đại học - Ảnh 1.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (bìa phải) tặng hoa cảm ơn sự quan tâm của đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn

Luật chồng luật

Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng tự chủ ĐH là vấn đề "nóng" được đề cập nhiều thời gian gần đây, đặc biệt là khi các văn bản rất quan trọng mới ra đời trong thời gian ngắn. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết quyền tự chủ ĐH được quy định trong Luật Giáo dục ĐH (điều 32) gồm: quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. So với Luật Giáo dục ĐH 2012, sự minh định về quyền tự chủ ĐH đã được thể hiện rõ hơn rất nhiều. Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung; theo đó, tại điều 13 của nghị định này đã cụ thể hóa rất chi tiết về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH về học thuật và các hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính và tài sản.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7-2019 và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chưa được 1 năm, từ tháng 2-2020. Do vậy, trong bước đầu thực hiện quyền tự chủ ĐH dù đã được luật hóa vẫn còn một số vướng mắc. Tự chủ ĐH không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Công chức - Viên chức…

"Khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị" - TS Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị.

Là một trong những trường ĐH thực hiện tự chủ, ThS Đoàn Xuân Quang - Phó Phòng phụ trách Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Luật TP HCM - nhận định các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cụ thể việc thực hiện tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, có sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể, Luật Giáo dục ĐH năm 2012; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã trao cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có thể thấy các cơ sở giáo dục ĐH trong hoạt động của mình chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định pháp luật có liên quan. Luật Giáo dục ĐH và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết Luật Giáo dục ĐH không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất mà cơ sở giáo dục phải tuân thủ. Ngược lại, trong mỗi lĩnh vực hoạt động nhất định, cơ sở giáo dục ĐH còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó. Trong khi đó, các quy định pháp luật này hiện có sự không đồng bộ, thiếu nhất quán.

Gỡ nút thắt tự chủ đại học - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - trao đổi cùng đại diện các trường ĐH tham dự tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đổi mới tư duy

Tọa đàm đã ghi nhận các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết của những nhà giáo lão thành. GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhận định đã đến lúc các ĐH phải vươn lên vì lực lượng lao động chất lượng, sức mạnh trí tuệ đang đặt trên vai giáo dục ĐH. Giáo dục ĐH không thể dừng lại vì thực tế đang rất lạc hậu, nghèo nàn. "Thúc đẩy, thực hiện tự chủ là giải phóng những ràng buộc không cần thiết để các ĐH tự lập, sáng tạo, không ỷ lại vào ngân sách nhà nước, không thể chịu sự nghèo nàn triền miên" - GS Trần Hồng Quân chia sẻ.

Ông cũng dẫn ra những vấn đề tự chủ cơ bản mà nhiều trường ĐH đang vướng. Đối với tự chủ học thuật, trong phạm vi đào tạo còn nhiều ràng buộc như thay vì chuẩn chất lượng, khung trình độ thì các trường ĐH lại phải theo khung chương trình, trong khi mỗi trường có những chương trình đào tạo rất sinh động, hãy để các trường tự làm, bộ chủ quản không nên can thiệp quá trình đào tạo mà chỉ kiểm tra chất lượng đầu ra. Một vấn đề sống còn của trường ĐH tự chủ là làm sao thu hút được người giỏi về trường mình và không để người giỏi đi trường khác vì sự hấp dẫn của một trường ĐH luôn nằm ở đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, do đó các trường cần được tự chủ về lương, trợ cấp, chế độ… Ngoài ra, vấn đề tự chủ tài chính, tài sản, theo GS Quân là đang gây lo ngại cho nhiều trường muốn thực hiện tự chủ vì tâm lý ỷ lại, ngại tự lập, ngại ra biển lớn…

"Tự chủ ĐH là một chủ trương canh tân lớn về quản lý trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường" - GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH FPT - cho rằng tự chủ là khái niệm rộng, làm thế nào để hiểu chính xác, thống nhất là quan trọng. Tự chủ không phải tự túc, tự lo. Nhà nước vẫn phải cấp ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu. Lấy dẫn chứng ở Anh, Úc, Mỹ có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia, TS Tùng nhấn mạnh tự quyết là yếu tố quan trọng nhất, tự quyết trong hành lang pháp lý.

TS Lê Trường Tùng cũng cho rằng tự chủ để giải phóng tư duy, để đổi mới, sáng tạo, để thích ứng nhanh với những thay đổi. "Tự chủ là tháo gỡ "xin - cho" để trường ra quyết định nhanh. Giáo dục ĐH nước ta đang có khoảng cách rất lớn với thế giới, nếu đi chậm thì không thể thu hẹp khoảng cách này, chỉ có cách đi nhanh bằng các quyết định nhanh. Ví dụ chuyện mở ngành, nếu trường quyết định thì chỉ 1 tháng là có thể mở được nhưng với thủ tục như hiện nay thì 6 tháng cũng không xong, như vậy tốc độ đi của các trường chỉ bằng 1/6 tốc độ bình thường" - ông Tùng ví von.

Lắng nghe những ý kiến tâm huyết và thiết thực, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - nhìn nhận Luật Giáo dục hiện nay đã có những bước tiến và sửa đổi để phù hợp hơn, bên cạnh đó có những quy định khác, đặc biệt là các trường công đang còn chịu những vướng mắc. "Buổi tọa đàm hôm nay do Báo Người Lao Động tổ chức với chủ đề rất quan trọng. Thực tế, các cấp cao hơn cũng rất quan tâm và sắp tới sẽ có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan chứ không phải chỉ riêng ngành GD-ĐT" - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết. 

Nội dung tọa đàm góp phần hoàn thiện chính sách

Trao đổi với những ý kiến đóng góp tại tọa đàm, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất. Tự chủ giải bài toán tối ưu trong đó có việc đưa ra quyết định nhanh nhất. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định tự chủ không phải là tự trị, cũng không phải tự lo. Tự chủ mở ra những chính sách thông thoáng song cũng cần đồng bộ, ràng buộc. Thực hiện tự chủ ĐH, các trường cần xây dựng hệ thống quản trị nội bộ tốt. Phải có mô hình quản trị, trong trường ĐH phải phân cấp nhằm phát huy thế mạnh từng đơn vị, từng người.

12-box-thu-truong

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tặng hoa cho các nhà giáo lão thành và các nữ nhà giáo tham dự tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

PGS-TS Hoàng Minh Sơn cũng cho biết hiện nhiều trường có mô hình quản trị rất tốt, trong đó phải kể đến các trường tư thục. Do vậy, trong quá trình thực hiện tự chủ, các trường có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định giáo dục ĐH không giống dịch vụ thông thường, chất lượng không đạt thì trả. Giáo dục phải khác, nó phải bảo đảm điều kiện chất lượng, kiểm định chất lượng, không phải chỉ đầu ra mà là kiểm định cả quá trình. Trong cơ chế tự chủ, lợi ích của người học cần đặt lên hàng đầu để cuối cùng là tăng chất lượng, việc làm của người học.

Với các bộ, ngành khác quản lý các trường ĐH, trước mắt các trường phải kiện toàn cơ cấu tổ chức để xác định quyền của các cơ quan chủ sở hữu đến đâu để tránh tình trạng bộ này thế này, bộ khác làm thế kia. Đề cập đến đầu tư của nhà nước, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định tự chủ không phải tự lo mà nhà nước vẫn đầu tư bằng những hình thức khác. Tự chủ ĐH là điểm sáng, không chỉ là xu thế mà còn mang lại lợi ích cho giáo dục ĐH Việt Nam. Những ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay của Báo Người Lao Động không chỉ là phản ánh những vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị trường ĐH mà còn đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách.

. Nhà giáo Ưu tú - Anh hùng Lao động LÊ CÔNG CƠ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân:

Đầu tư ĐH tinh hoa

12-lê-Công-cơ

Chúng ta có thời gian quá dài "xa rời thế giới". Nhà nước nên đầu tư vài trường ĐH tinh hoa vì thời đại trí tuệ, khoa học công nghệ là động lực phát triển. Tại Mỹ có 70 trường ĐH tinh hoa, cả thế giới có 100 trường. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cứ mở rộng cửa, sẽ không ai ra ngoài luật pháp. Hiện nay, Luật Lao động mâu thuẫn với Luật Giáo dục, Luật Doanh nghiệp... Các luật chồng chéo, khó để phát triển ĐH tự chủ. Hãy đi theo xu hướng của thế giới để đất nước phát triển. Nên cải cách giáo dục đi vào cốt lõi tinh hoa dân tộc, cô đọng, đặt vấn đề hạnh phúc trong giáo dục.

. TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh

12-to-dinh-tuan

Xác định tự chủ giáo dục ĐH là chủ trương đúng đắn, là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc ĐH, chúng ta đồng thời phải thừa nhận rằng phải kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai vào thực tế, đề đạt với Bộ GD-ĐT, với Chính phủ và Quốc hội để giải quyết, điều chỉnh những quy định chưa hợp lý. Những công việc này đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh, sáng tạo từ phía các trường, các nhà giáo dục cùng sự cầu thị, thấu hiểu và trách nhiệm của bộ chủ quản, các cơ quan hành pháp, lập pháp.

Tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ" do Báo Người Lao Động tổ chức là diễn đàn để lắng nghe và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; là cầu nối giữa các nhà giáo dục, nhà đầu tư giáo dục với các cơ quan quản lý. Kết quả buổi tọa đàm sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ giáo dục ĐH, qua đó các cơ sở giáo dục ĐH đang thí điểm tự chủ và đang xây dựng đề án thí điểm tự chủ được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong thời gian sắp tới.

. TS TỪ MINH THIỆN, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến:

Cần xã hội giám sát

12-Tu-Minh-Thien

n có hướng dẫn liên quan đến luật về tự chủ cho trường ĐH khi triển khai. Trong vấn đề tự chủ thì bộ giám sát đầu ra, còn đào tạo là trách nhiệm của trường; giao quyền tự chủ trên cơ sở giám sát chặt chẽ từ xã hội, hội đồng trường và Bộ GD-ĐT. Các bộ nên ngồi với nhau để tìm ra vấn đề cần tháo gỡ vì liên quan đến nhiều luật. Nếu tự chủ ĐH được, Việt Nam sẽ phát triển nhanh.

. TS HOÀNG ĐỨC LONG, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing:

Luật còn chồng chéo quá!

12-Hoang-Duc-Long

Hoạt động tự chủ của các trường đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của rất nhiều bộ luật như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật BHXH và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ và rất nhiều thông tư của các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện, trường nhận thấy rằng dù đã có rất nhiều văn bản cởi trói cho các trường được thí điểm tự chủ nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi các luật liên quan nên cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản vẫn có những quy định chưa phù hợp và thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai trên thực tế. Do đó, dù tự chủ vẫn phải xin ý kiến các bộ trước khi thực hiện.

. PGS-TS NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:

Tự quyết học phí để tăng cạnh tranh

12-Nguyen-Duc-Trung

Các trường ĐH hiện nay làm tự chủ ĐH tương đối tốt, về học thuật, tài chính, nhân sự. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về nhân sự, quy trình bổ nhiệm, xác định nhu cầu, chủ trương nhân sự theo quy đinh nhà nước. Trường ĐH được tự chủ về tài chính, chương trình học... Bộ GD-ĐT nên giúp các trường có hướng dẫn chi tiết mở ngành ĐH, làm rõ khái niệm liên ngành, những ngành mới không có trong danh sách của bộ. Cho tổ chức xếp hạng thương mại, xếp hạng đại học... Bên cạnh đó để các trường tự quyết học phí, ai đào tạo tốt thì học phí cao, tự do cạnh tranh, không phân biệt trường công hay tư..

Thư cảm ơn

Tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ" hân hạnh nhận được sự tài trợ, đồng hành của các trường học và đơn vị:

- Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng)

- Trường Đại học Văn Hiến (TP HCM)

- Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)

- Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

- Ngân hàng Quốc dân (NCB)

- Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

- Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

- Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS)

- Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam

- Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên

Ban Biên tập - đơn vị tổ chức chương trình - chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của quý trường, quý đơn vị.

Gỡ nút thắt tự chủ đại học - Ảnh 12.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo