Đến tận bây giờ, Thái Nguyên trong tôi vẫn là một cảm giác chống chếnh nỗi nhớ nhà, trên những cung đường gập ghềnh, bụi đường đỏ bay mù mịt. Và cũng tại mảnh đất này, tôi đã may mắn được làm học trò của cô: Cô giáo Nguyễn Thị Đông - nguyên Trưởng khoa Múa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Đến với nghề múa "như định mệnh"
Tôi còn nhớ, đó là một buổi chiều cuối tháng 10. Mẹ dẫn tôi vào trường sau quãng thời gian dài di chuyển mệt lử vì say xe. Đối lập với sự ồn ào, náo nhiệt ở khu vực trung tâm thành phố, con đường dẫn vào Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (chúng tôi gọi tắt là Trường Việt Bắc) nhỏ hẹp, men theo đường tàu mang đến cảm giác hụt hẫng, xốn xang khó tả. Hình ảnh thành phố rộng lớn, lấp lánh sắc màu, sự náo nhiệt bỗng chốc tan biến, thay vào đó là một ngôi trường với cái cổng sắt cũ, những tòa nhà nhỏ bé và bắt đầu xuống cấp.
Cô Đông đón mẹ con tôi tại cổng bảo vệ với nụ cười ấm áp. Tôi nhận ra ngay vì mùa hè cô đã lên Hà Giang tuyển sinh. Tôi hô to: "A, cô Đông, cô Đông. Em chào cô ạ", khiến mấy người ở cổng phải phá lên cười.
Tôi trúng tuyển khoa múa nằm ngoài dự tính của gia đình. Ban đầu, tôi đăng ký thi vào khoa âm nhạc, học mấy loại nhạc cụ phổ biến như organ hay ghi - ta vì vào thời điểm đó, nghệ thuật múa vẫn là một khái niệm khá mơ hồ.
Chúng tôi những ngày đầu chập chững bước chân vào nghệ thuật múa. Tác giả đứng hàng đầu, bên trái
Chú Thắng - người hàng xóm của gia đình cũng từng theo học thanh nhạc tại Trường Việt Bắc - dẫn tôi đi thi. Khi gặp chú Thắng và tôi tại điểm tuyển sinh, cô Đông nói là cho tôi thử sơ tuyển múa. Kiểm tra hình thể và năng khiếu, cô nói rằng tôi có thể học múa, chỉ có điều phải chịu khó ăn uống vì gầy quá. Cô đã đưa tôi đến với nghệ thuật múa một cách tình cờ như thế.
Cô Đông là chủ nhiệm lớp, đồng thời trực tiếp giảng dạy môn múa cổ điển Châu Âu (Ballet). Lớp chúng tôi có 10 đứa, 4 nam, 6 nữ, đều mới 12 - 13 tuổi, đến từ 4 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Ai đã từng học múa thì có lẽ không thể nào quên "cơn ác mộng" của những ngày đầu bước lên sàn tập.
Dù đã nghỉ hưu chục năm nay, cô Nguyễn Thị Đông vẫn rất tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ tại thành phố Thái Nguyên
Chúng tôi phải ép dẻo để giãn cơ và giải phóng cơ thể. Cứ "ép ếch" rồi xoạc dọc, xoạc ngang thì dù là đứa "lì đòn" nhất cũng phải vài lần bật khóc vì đau. Sau mỗi buổi tập, đứa nào đứa nấy mặt đỏ tía tai, mồ hôi vã ra như tắm, cởi áo ra có thể vắt nước như giặt vậy. Cái cảm giác leo thang bộ từ tầng 1 lên tầng 2, rồi lại đi từ tầng 3 xuống tầng 1 trong một cơ thể rã rời, ê ẩm thì như giới trẻ bây giờ phải gọi là "kiếp nạn thứ 82".
Mệt mỏi cộng với nhớ nhà, tôi đã muốn bỏ cuộc. Tôi gọi điện về nhà, nằng nặc đòi bố mẹ xuống đón về. Sau mấy lần thuyết phục không thành, bố mẹ tôi cũng đồng ý hẹn ngày xuống làm thủ tục cho nghỉ học.
Biết ý định của tôi, sau giờ học, cô Đông đã gọi riêng tôi lại để nói chuyện. Tôi vẫn nhớ như in lời cô dặn rằng: Trong cuộc sống có những thời điểm rất khó khăn, người thành công là người vượt qua được khó khăn và kiên định với mục tiêu của mình. Trước mọi quyết định, hãy suy nghĩ thật kỹ, nhìn xa về tương lai, đừng bị chi phối bởi những cảm xúc bồng bột nhất thời.
Thế nào mà chỉ sau vài lời khuyên của cô, tôi đã ở lại học, không đòi về nữa.
Chắt chiu những bài học nhỏ
Cô Đông luôn nói với chúng tôi rằng, múa là nghề khổ hạnh và để có được một vài phút thăng hoa trên sân khấu, người nghệ sĩ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Thành công của người nghệ sĩ chỉ có 1% là năng khiếu, 99% là sự khổ luyện. Như quy luật của tạo hóa, cây non dễ uốn, khi cây đã cứng cáp thì muốn uốn cũng khó thành công.
Những năm tháng học múa đầu tiên hết sức quan trọng. Dù nhà mãi tận bên Đồng Hỷ (cách xa trường đến 7-8 cây số) nhưng ngày nào cô cũng đến lớp rất sớm để tranh thủ chỉ bảo thêm cho chúng tôi. Nhiều buổi tối, sau bữa cơm, cô lại sang trường, lên sàn tập kiểm tra xem chúng tôi ôn luyện ra sao. Cô vừa nhắc nhở, đôn đốc vừa ân cần, động viên khích lệ như người mẹ chăm lo cho những đứa con của mình. Cô đã dìu chúng tôi bước qua những thử thách ban đầu đến với nghệ thuật múa như thế.
Khi nhìn cô thị phạm động tác múa trên sàn tập, chúng tôi cảm nhận được sự say mê, tình yêu nghề cháy bỏng. Cô luôn nói rằng, diễn viên múa không phải là một "người máy múa" mà cái quan trọng là "phần hồn", cảm nhận của người diễn viên khi thể hiện động tác múa. Tất cả chuyển động của cơ thể, hơi thở, ánh mắt của diễn viên đều phải được chăm chút, hòa quyện, bay bổng trên nền nhạc. Cô không chỉ dạy động tác múa mà đã lan tỏa đến chúng tôi tình yêu với múa, cách cảm nhận và thể hiện múa đúng như một ngôn ngữ để truyền đi những thông điệp nghệ thuật.
Cô cũng luôn nhắc chúng tôi phải chú ý học tốt các môn văn hóa vì đó là kiến thức nền tảng giúp mình làm nghề tốt hơn. Bản thân cô cũng là một tấm gương tự học đáng trân trọng. Cô khuyên chúng tôi nên học tiếng Anh và dù bận rất nhiều việc, cô vẫn sắp xếp theo học tiếng Anh vào các buổi tối. Vào những năm 1996 - 1997 thì đây là tư duy rất mới.
Trưởng thành từ những ký ức
Lớp tôi có ba đứa quê Hà Giang là tôi, bạn Tải Đình Tinh (gia đình ở Đồng Văn, hiện công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hà Giang) và Vương Thu Hà (gia đình ở TP Hà Giang, hiện công tác tại Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Đắk Lắk). Vào cuối năm thứ hai thì bố Tinh mất nhưng có lẽ do nhà xa nên gia đình giấu, không báo tin. Khi Tinh biết tin bố mất thì cũng đã qua 49 ngày. Tinh khóc ngất, nằng nằng đòi bỏ về không tiếp tục theo học nữa.
Bằng tình yêu thương và chia sẻ, cô Đông đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho Tinh về thăm nhà, kiên trì thuyết phục, thường xuyên động viên, chia sẻ để Tinh tiếp tục quay trở lại học tập. Có lẽ, nếu không có cô Đông "ra tay" ngày ấy, thì sẽ không có một Tải Đình Tinh – Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hà Giang tài năng ngày nay.
Tập thể lớp Múa 10 – Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (niên khóa 1996 - 2000)
Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong quá trình làm nghề của mình. Trong một lần biểu diễn, tiết mục mà tôi đảm nhận là tác phẩm múa kinh điển "Cánh chim và ánh sáng mặt trời" (biên đạo: NSND Thái Ly). Bước ra sân khấu, cúi chào khán giả và bắt đầu biểu diễn, tôi chột dạ nhận ra đã đưa nhầm nhạc cho bộ phận kỹ thuật.
"Chả lẽ giờ dừng phần biểu diễn lại", tôi tự nhủ. Tôi liếc nhìn vào cánh gà, thấy cô ra hiệu "tiếp tục, tiếp tục". Thế là tôi cứ múa, cứ phiêu theo theo tác phẩm trên một nền nhạc "không liên quan". "Một, hai, ba, kết nhé, kết nhé", cô nói vọng ra từ cánh gà. Thế là tôi dừng vào tạo hình, kết thúc tác phẩm múa như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sau buổi diễn, cô khen tôi linh hoạt, sáng tạo trong xử lý tình huống nhưng cũng phê bình nghiêm khắc cách làm thiếu chuyên nghiệp khi không kiểm tra kỹ mọi thứ trước khi lên biểu diễn. Đó là bài học "nhớ đời" của tôi.
Cô giáo Nguyễn Thị Đông (áo dài xanh, đứng giữa), các thầy cô Khoa Múa và tập thể lớp Múa 10 ngày tốt nghiệp (tháng 6-2000).
Sau 4 năm học tập dưới mái trường Việt Bắc, chúng tôi tốt nghiệp, như những cánh chim tỏa đi muôn phương. Vì nhiều lý do khác nhau, có đứa theo nghề, có đứa rẽ ngang (trong đó có tôi). Cô Đông, lớp Múa khóa 10 và mái trường Việt Bắc thân yêu mãi là một phần ký ức thanh xuân tươi đẹp trong tôi.
Với tôi, quãng thời gian học múa không đơn thuần là học một nghề mà còn cho tôi bài học về sự kiên trì, bản lĩnh, niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc và sự yêu thương, chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Đông là tấm gương nhà giáo giản dị, nhiệt huyết và thương học trò hết mực. Tôi biết rằng, mình đã lớn lên bằng tình yêu thương và sự chắt chiu những bài học giá trị như thế…
Bình luận (0)