Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên; vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc-xin. Các trường cần lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh hoặc người giám hộ; lập danh sách người đồng ý tiêm báo cáo về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Chủ trương của TP HCM là trẻ em trong độ tuổi quy định được tiêm càng sớm càng tốt.
TP HCM gấp rút chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10-2021 cho trẻ em, các trường học tại TP HCM đã nhanh chóng lập danh sách HS để chuẩn bị tiêm vắc-xin.
Theo ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), nhà trường có thể đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch nhưng phụ huynh đều mong muốn HS sớm được tiêm vắc-xin để trở lại học tập trực tiếp được an toàn.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết đã triển khai cho các trường lập danh sách cụ thể HS trong độ tuổi tiêm vắc-xin. Hiện quận này có khoảng 36.000 HS bậc THCS từ 12-14 tuổi.
Tại quận 10, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho hay nhà trường đã nhận được thông báo và đang lập danh sách HS. Nếu HS tiêm vắc-xin ngay tại trường thì nhà trường sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí vị trí tiêm, vị trí theo dõi sau tiêm, hướng dẫn ra vào hợp lý.
Tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết địa phương có khoảng 100.000 trẻ em từ 12-17 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, ông Nguyên băn khoăn vấn đề đối tượng tiêm là trẻ em từ 12 tuổi (tương đương lớp 6) nhưng có những em đang học lớp 6 mà tính tháng sinh chưa đủ 12 tuổi thì sẽ thế nào?
"Khi triển khai tiêm cho trẻ em, nên tiêm cho tất cả đối tượng là HS lớp 6 vì đây là năm đầu tiên các em học theo chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THCS. Dự kiến kế hoạch khi mở cửa trường học cũng ưu tiên đối tượng các HS đầu cấp được đến trường học tập trực tiếp" - ông Nguyên đề xuất.
Trong khi đó, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho hay quy trình khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm cho trẻ cũng khác người lớn. Trẻ nhỏ không thể tự khai báo tiền sử tình trạng sức khỏe. Do đó, khi khám sàng lọc, phụ huynh cần nắm rõ tiểu sử của trẻ. Với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền như: đái tháo đường type 1, 2; béo phì; hen suyễn hoặc bệnh phổi mạn tính; bệnh di truyền, thần kinh hoặc chuyển hóa; bệnh hồng cầu hình liềm; tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch, khi mắc Covid-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn. Do đó, những nhóm trẻ này cần được ưu tiên tiêm trước và cần thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện.
Trên thế giới, hiện Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Tây Ban Nha… đã triển khai tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Canada đã chấp thuận tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi.
Bình luận (0)