Dự án được triển khai bởi "Khu sinh thái giáo dục Về Quê" phối hợp với nhóm tác giả là TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP HCM), ThS Lê Thị Hồng Anh (Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) thực hiện.
Theo nhóm tác giả, để có cơ sở thiết kế các tour trải nghiệm này, nhóm tác giả và đơn vị phối hợp đã tham khảo các văn bản, quy định, tài liệu có liên quan trong đó 2 văn bản trọng tâm là chương trình giáo dục phổ thông mới, các bộ sách giáo khoa (SGK) đang được sử dụng trong nhà trường từ năm học 2020-2021. Đồng thời, tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, sư phạm, chính trị học, văn hóa học, kỹ năng sống...
Một tiết học trải nghiệm của học sinh TP HCM
Dự án ra đời hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường có nhiều hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống… cho HS. Thông qua đó, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phát triển năng lực theo tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Dự án gồm 8 tour trải nghiệm để HS và nhà trường chọn lựa phù hợp với kế hoạch giáo dục của mình gồm: trải nghiệm chân trời sáng tạo, trải nghiệm tự nhiên xã hội địa phương TP HCM, trải nghiệm tự nhiên xã hội Nam Bộ, trải nghiệm kỹ năng sống (đầu cấp tiểu học), trải nghiệm kỹ năng sống (cuối cấp tiểu học), trải nghiệm khoa học và lịch sử bậc THCS, trải nghiệm khoa học và hướng nghiệp bậc THPT.
Trong đó có nhiều hoạt động như nhận diện trang phục, giọng nói theo vùng miền; tham quan nhà trưng bày về phong trào Đồng Khởi với đuốc lá dừa, áo bà ba khăn rằn, thử bó đuốc dừa, tập hát vọng cổ; thực hành thoát hiểm khi chìm xuồng trên sông; thực hiện ươm cây, làm giá đỗ...
Theo TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ở lứa tuổi HS, "Chuyến xe trải nghiệm" sẽ mang lại cho các em môi trường học tập thực tế, hiệu quả. Tham gia trải nghiệm, các em được thấy tận mắt, được sờ tận tay, được nghe tận tai, nên các em sẽ có được kiến thức rất thực tế và mang dấu ấn sâu đậm trong tâm trí. Những lần trải nghiệm còn giúp các em mở rộng một số hoạt động đã học trong trường nhưng bị bó hẹp bởi không gian hạn chế, giờ sẽ được triển khai rộng hơn. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, các em sẽ có 105 tiết học trải nghiệm bắt buộc để đánh giá mà không phải chấm điểm.
Theo ThS Lê Thị Hồng Anh, hoạt động trải nghiệm của HS sẽ khác với các hoạt động ngoại khóa khi các em chỉ có đi tham quan, đi chơi. Với trải nghiệm thực tế, HS sẽ được thực hành những điều căn bản nhất về tự nhiên - xã hội, kỹ năng sống....
Bình luận (0)