xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương

Đặng Trinh - Huy Lân

Ngày 17-11, Báo Người Lao Động tổ chức trao giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2, năm 2022 - 2023. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng với nhiều khoảnh khắc ấm áp và xúc động, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người tham dự

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 đã thu hút đông đảo cây bút chuyên và không chuyên từ khắp nơi. Dấu ấn của các nhà giáo không chỉ đậm sâu trên con đường học vấn mà còn trong tư duy, sự nghiệp, lối sống và có khi là góp phần làm thay đổi cả một số phận. Những điều này được thể hiện rõ nét qua các bài viết.

Lan tỏa hình ảnh đẹp về người và nghề

Tại buổi lễ, những câu chuyện ít ai biết đằng sau các tác phẩm xuất sắc đoạt giải trong cuộc thi lần đầu được chia sẻ. Đoạt giải cao nhất năm nay là tác phẩm "Thầy giáo làng" của Quang Ân (bút danh khác: Từ Nguyên Thạch). 

Với tác phẩm này, người đọc sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi chứng kiến một cuộc đời nhiều bước ngoặt, một nhân cách lớn, một trí tuệ đáng nể phục của nhà giáo lão thành Lâm Bá Nhạc (96 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường Nhạc Thanh (Củ Chi). Tác giả Quang Ân có cơ duyên biết về thầy Lâm Bá Nhạc thông qua nhà báo Phan Hồng Chiến (nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động). 

Qua lời các học trò và sự tiếp xúc với thầy Năm Nhạc, ông nhận ra đây là một người thầy rất đáng trân quý, dù chưa qua trường lớp sư phạm nhưng vô cùng uyên bác, thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn hết lòng yêu thương, bảo bọc học trò. Một người thầy dám đánh đổi cả gia sản, tính mạng và tương lai của mình cho sự nghiệp trồng người như thầy Năm Nhạc xưa nay không phải là nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Với những hy sinh vô bờ bến, thầy xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý nhất cùng các chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhưng không, từ ngày nghỉ hưu, ông về làm một người dân bình thường, sống thanh thản, lạc quan, không màng danh lợi.

Có mặt tại không gian trao giải từ sáng sớm, tác giả Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) không giấu được sự bồi hồi. Tác phẩm "Theo nghề dạy học đến cùng" đoạt giải nhì là niềm vui vô cùng to lớn với ông - người đến từ một gia đình ba đời theo nghề sư phạm. Tác giả Hữu Nhân cũng như cha mình ngày xưa luôn hết lòng truyền đạt kinh nghiệm sống và ngọn lửa yêu nghề cho con trai. Ông bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Người Lao Động vì đã tổ chức cuộc thi thấm đẫm tính nhân văn, để mọi người có dịp chuyển tải bao tâm tư, tình cảm về các thầy cô giáo, để hình ảnh đẹp về nghề giáo được lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Sự trọng thị và chu đáo của những người thực hiện chương trình cũng khiến ông cảm kích, đây chắc chắn là kỷ niệm khó phai mờ về sau.

Tác giả Đỗ Mỹ Dung (Bình Định) bộc bạch bản thân hết sức bất ngờ và hạnh phúc khi biết bài viết "Thương hoài thầy tôi" của mình đoạt giải ba năm nay. Cô gái 9X chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, khi đi qua những con đường làng, có một loài hoa, dù là hoa dại thôi nhưng rất thơm. Tôi tự hỏi vì sao một loài hoa dại như thế mà còn tạo được ý nghĩa cho đời nên mình được ăn học thì càng phải làm điều có ích. Bài viết là lời tri ân chân thành đến thầy chủ nhiệm năm lớp 7A2 của tôi".

Tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ (12 tuổi, Đắk Lắk) đã cần mẫn chép tay bằng bút mực tím bài viết dự thi "Mãi nhớ ơn thầy Hảo" để bày tỏ niềm thương kính với người thầy luôn hết lòng dìu dắt, thương yêu mình.

Các tác giả ở xa tham dự bằng hình thức trực tuyến như Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị), Tường Mây (tức Nguyễn Văn Công, Hà Nội) và Phạm Thị Yến (Sơn La) cũng mang đến bao tâm tình chan chứa yêu thương về các thầy cô giáo, phác họa được chân dung của người đưa đò trong ký ức hoặc trong đời sống hiện nay, qua những chi tiết chân thật, sinh động.

TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương - Ảnh 1.

Buổi lễ trao giải cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 2 để lại cảm xúc đẹp trong lòng những người tham dự. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vinh danh những tấm gương sáng

Các bài viết tham dự cuộc thi còn thể hiện nỗ lực vươn lên bền bỉ để bám trường, bám lớp của rất nhiều giáo viên có số phận không may mắn, tật nguyền hay đội ngũ giáo viên vùng cao, vùng xa "cắm chốt" trên các bản làng. Những thầy cô ấy dù còn nhiều thiếu thốn nhưng vẫn ngày đêm tần tảo đưa đò - thắp sáng ước mơ cho các em học sinh thân yêu.

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình chính là giây phút các nhân vật "bước ra từ trang viết". Phần giao lưu cùng thầy giáo Hoàng Anh Phú, nhân vật trong tác phẩm "Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc" và cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, nhân vật trong bài "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí", khiến cả hội trường xúc động.

Thầy giáo Phú bị tai nạn dẫn đến liệt nửa người, mất một cánh tay và gần đây thì người vợ lại qua đời. Người thầy "tàn nhưng không phế", đã vượt qua bao đau thương, mất mát đời riêng để ngày ngày mang ánh sáng tri thức cho bao thế hệ học trò. "Nỗi đau chồng chất nỗi đau nhưng động lực lớn nhất để tôi vượt qua những khó khăn này là tình yêu với nghề, học trò, tình yêu với đồng nghiệp. Bên cạnh đó là những ánh mắt của các em học sinh nhìn thầy cô giáo, trong đó có tôi, với sự kính trọng. Bản thân tôi cũng mong muốn là chỗ dựa vững chắc cho học sinh khi các con gặp khó khăn trong cuộc sống" - thầy Phú nói.

Cùng khao khát được cống hiến cho xã hội dẫu bao nghịch cảnh bủa vây, cô giáo mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã mở lớp dạy học miễn phí gần 20 năm nay: "Chính sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, cộng đồng đã tiếp thêm động lực cho tôi. Nhìn những em học sinh thành đạt là nguồn động viên rất lớn với tôi. Lớp học Ngọc Tâm thủy tinh không chỉ là lớp học mà còn là nơi tôi gửi gắm đam mê, hoài bão cuộc sống của mình, với tâm niệm không quan trọng mình sống bao lâu mà mình sống như thế nào".

Trí tuệ, tình yêu thương, đức độ của người thầy, trao cho học trò những bài học làm người quý giá luôn được thế hệ sau khắc cốt ghi tâm, là hành trang mang theo suốt cả cuộc đời. Mong muốn cùng xã hội tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo, biểu dương, tôn vinh các thầy cô giáo để lan tỏa ra xã hội về hình ảnh đẹp của những người đưa đò, phát huy tinh thần chia sẻ của cộng đồng đến các thầy cô giáo tiêu biểu, Báo Người Lao Động đã trao tặng phần quà đến cố nhà giáo - tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá cùng thầy giáo Hoàng Anh Phú và cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Chương trình cũng dành những phút giây lắng đọng để vinh danh một nhà giáo lão thành, một nhà cách mạng đáng kính - thầy Lâm Bá Nhạc, tên thân mật Năm Nhạc, nhân vật trong bài dự thi đoạt giải nhất "Thầy giáo làng".

Theo dự kiến, thầy Năm Nhạc đã nhận lời đến dự buổi lễ nhưng bất ngờ phải nhập viện. Đoạn video ngắn về thầy Năm Nhạc do Ban Tổ chức kịp thời ghi hình trước đó được trình chiếu trong buổi lễ đã tạo sức lay động cho mọi người. Thầy Năm Nhạc là một trong 2 nhà giáo được chương trình "Mai Vàng tri ân" dành sự quan tâm, trao tặng phần quà thiết thực. Nhà báo Phan Hồng Chiến - nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đồng thời là người chủ biên cuốn sách vừa ấn hành về thầy Nhạc, cũng là người hàng xóm láng giềng của thầy ở huyện Củ Chi - đã đại diện lên sân khấu nhận quà của chương trình "Mai Vàng tri ân" thay cho thầy Năm Nhạc. Nhà báo Phan Hồng Chiến cho biết bản thân có thời gian nghiên cứu và phát hiện sự đặc biệt của ngôi trường Nhạc Thanh và thầy giáo Năm Nhạc. Tuy là thầy giáo làng, trường nhỏ nhưng là nơi xuất phát của nhiều học trò xuất sắc, trong số những học trò đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng những người đã thành đạt trên nhiều cương vị khác nhau. Rất nhiều cô cậu học trò ở ngôi trường ấy có những đóng góp to lớn cho sự phát triển quê hương, đất nước. Ông đánh giá thầy Năm Nhạc luôn là người rất tận tụy, thương yêu học trò. Tấm lòng của thầy được nhiều thế hệ học trò ghi nhận, tri ân. Mỗi năm nhân dịp 20-11 thì học trò nào cũng về thăm thầy. Nhà báo Phan Hồng Chiến nhận định: "Có thể nói, thầy Năm Nhạc là thầy giáo truyền cảm hứng, đó là cảm hứng về hoài bão, ước mơ, về lòng yêu nước".

Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" đã làm tròn sứ mệnh, tiếp tục khẳng định truyền thống tôn sư trọng đạo, đạo lý cao quý ngàn đời của dân tộc, làm giàu tâm hồn bạn đọc, hướng chúng ta đến chân - thiện - mỹ, để thêm tin yêu, trân quý những giá trị đạo đức quý báu và vẽ nên những gam màu tươi sáng, an lành cho bức tranh cuộc sống mến thương.

7 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2, năm 2022 - 2023:

. Giải nhất (mức tiền thưởng 30 triệu đồng):

Tác phẩm "Thầy giáo làng", tác giả Quang Ân (tức Từ Nguyên Thạch, TP HCM).

. Giải nhì (mức tiền thưởng 20 triệu đồng):

Tác phẩm "Theo nghề dạy học tới cùng", tác giả Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp).

. Hai giải ba (mức tiền thưởng 15 triệu đồng/giải):

+ Tác phẩm "Thương hoài thầy tôi", tác giả Đỗ Mỹ Dung

+ Tác phẩm "Mãi nhớ ơn thầy Hảo", tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ

. Ba giải khuyến khích (mức tiền thưởng 7 triệu đồng/giải):

+ Tác phẩm "Mơ lại được làm học trò của thầy", tác giả Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị)

+ Tác phẩm " Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc", tác giả Phạm Thị Yến (Sơn La)

+ Tác phẩm "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí", tác giả Tường Mây (tức Nguyễn Văn Công, Hà Nội).

Trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi "Người Thầy kính yêu" lần 2, chương trình "Mai Vàng tri ân" đã bày tỏ tình cảm và sự quan tâm, kính trọng đến các nhà giáo tiêu biểu gồm:

Nhà giáo lão thành Lâm Bá Nhạc, nguyên Hiệu trưởng Trường Nhạc Thanh (Củ Chi) và GS - TSKH - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) - Nhà giáo Ưu tú Phan Quốc Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM.

8-ẢNH-2---MAI-VÀNG-TRI-ÂN

Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và ông Trần Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Nam A Bank (bìa trái) - trao quà của chương trình “Mai Vàng tri ân” cho thầy Phan Quốc Khánh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Mai Vàng tri ân" là chương trình do Báo Người Lao Động phát động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Chương trình nhằm góp phần chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, trí thức khắp các tỉnh, thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, của đất nước. Đây là hành trình kết nối nghĩa tình mang đậm dấu ấn nhân văn của Báo Người Lao Động và đối tác Nam A Bank suốt thời gian qua.

8-ẢNH-3---TỔNG-BIÊN-TẬP

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, kỳ vọng cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 3 tiếp tục đón nhận được nhiều tác phẩm chất lượng cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiếp nối sự thành công của cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" qua 2 lần tổ chức, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã phát động cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 3.

Ông Tô Đình Tuân cho biết: "Chủ đề này chắc chắn sẽ chạm vào mạch cảm xúc của nhiều người. Chúng tôi trông chờ những bài viết hay, chân thật, khắc họa được chân dung của người đưa đò trong ký ức hoặc trong đời sống hiện nay, qua những kỷ niệm, những câu chuyện, hình ảnh ghi dấu ấn của thầy cô đối với cuộc đời của chúng ta, để thấy sâu sắc hơn tình nghĩa thầy trò theo năm tháng, để thắp sáng hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta".

Ban Tổ chức sẽ chọn ra những tác phẩm xuất sắc và những tấm gương thầy cô tiêu biểu để trao giải và vinh danh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm 2024.

Bằng cả trái tim (*)

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 của Báo Người Lao Động đã chọn được những tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng cho tác giả bài viết, viết về người Thầy, đồng thời tôn vinh sự cống hiến của người Thầy - nhân vật xuất hiện trong khuôn khổ hạn hẹp của những bài viết trên trang báo nhưng lại hiện diện trong tâm khảm của những thế hệ học trò và trong sự trân quý của cộng đồng, của xã hội. Bởi đó là những người Thầy mà phẩm hạnh là tấm gương tận hiến cho con người, cho cuộc đời và được nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ soi vào và noi theo.

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 này tiếp tục góp phần kích hoạt cảm xúc, trước nhất là cảm xúc của người cầm bút chuyên và không chuyên và tỏa lan cảm xúc không chỉ đối với người Thầy mà còn là cảm xúc của Trò - một đội ngũ hùng hậu, không chỉ làm việc, sáng tạo, cống hiến trong hệ thống giáo dục.

Cuộc thi quy tụ được nhiều cây bút chuyên và không chuyên thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều vùng miền. Nội dung bài viết cũng đa dạng và phong phú hơn. Những người Thầy tận tâm tận lực với học trò ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; những người Thầy trực tiếp giảng dạy ở những bậc tiểu học, trung học ở đồng bằng, ở thành thị; những người Thầy có nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy, quản lý ở nhiều trường đại học và cả những người Thầy mà tên tuổi trở nên quen thuộc. Đó là những người Thầy mà sự nghiệp cống hiến cùng những công trình nghiên cứu về văn hóa giáo dục của họ đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm cũng như góp phần cho sự hướng nghiệp của nhiều thế hệ trò đã tiếp nối sự nghiệp làm thầy của những người Thầy kính yêu.

Người Thầy, nhân vật của nhiều bài viết được khắc họa rõ nét hơn về tình cảm, tính cách, đặc biệt là sự tận hiến cho nghề nghiệp vừa hết sức nhọc nhằn lại vừa vô cùng cao quý.

Trong 20 bài viết vào vòng chung khảo cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 này được các thành viên Ban Chung khảo thống nhất cao và chọn 7 tác phẩm đề nghị Ban Tổ chức trao giải.

Có lẽ ai cũng biết, người Thầy giỏi nhất, người Thầy được kính yêu nhất, ắt hẳn là người Thầy có dung lượng tri thức và trữ lượng cảm xúc làm nên sức mạnh tác động trực tiếp đến tình cảm, nhận thức, khơi mở năng lực và lối đi, vun đắp mơ ước cho học trò... và đó luôn là người Thầy truyền đạt kiến thức bằng trái tim đầy ắp thương yêu. Vì vậy, viết hay về người Thầy kính yêu, cũng phải viết bằng sự thôi thúc từ chính trái tim. Câu chữ được viết từ trái tim mới có thể tạo được cảm xúc và chỉ có cảm xúc mới làm trái tim xao xuyến.

Biết ơn người Thầy, người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn góp phầm tạo nên lớp người có đức, có tài, có lẽ còn là cái đích mà cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" tiếp tục hướng tới. Bởi, trong dòng đời vạn biến này thì lòng biết ơn luôn là giá trị bất biến.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, giám khảo cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu"

(*) Bài trích từ phát biểu của tác giả tại lễ trao giải sáng 17-11; tựa do Tòa soạn đặt lại


CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương - Ảnh 8.
TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương - Ảnh 9.
TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương - Ảnh 10.
TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU” LẦN 2: Tràn đầy tôn kính, yêu thương - Ảnh 11.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo