Theo ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, trong năm học 2021-2022 vừa qua, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT quận còn một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, như việc thực hiện công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT của quận thời gian qua còn tồn tại những khó khăn đó là việc tham gia của các lực lượng xã hội và các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT chưa cao, vẫn còn mang tính phong trào hoặc tâm lý trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Ngoài ra, còn quan niệm cho rằng xã hội hóa giáo dục là công việc của ngành GD-ĐT nên ít quan tâm. Ngoài ra, quá trình xã hội hóa, đầu tư cho giáo dục ở các trường tuy có tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, các lực lượng xã hội chưa quan tâm nhiều vào các hoạt động xây dựng và phát triển trường...
Cũng theo ông Khoa, tại quận 3, công tác phòng chống bạo lực học đường được ngành GD-ĐT quận đặc biệt quan tâm. "Các nhà trường phân công cụ thể từng cá nhân phụ trách trong nhà trường, cử những giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ; chủ động phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, rồi mới xử lý"- ông Khoa nói.
Ông Khoa cho biết thêm, trong năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục sẽ đẩy mạnh triết lý giáo dục 5H của ngành GD-ĐT quận 3: Hạnh – Học – Hỏi – Hiểu – Hành.
Để làm được điều này, các đơn vị sẽ thực hiện triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc" bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, tạo bước chuyển biến mới về nâng cao chất lượng giáo dục. Nội dung cần tập trung trao đổi, định hướng là những thay đổi cụ thể của từng thành viên trong nhà trường để xây dựng "Trường học hạnh phúc", trong đó nhấn mạnh yêu cầu giáo viên thay đổi trong hành vi ứng xử, trong quản trị cảm xúc khi tiếp xúc với đồng nghiệp, với học sinh, tạo môi trường học đường yêu thương, an toàn, tôn trọng.
Đặc biệt, triển khai phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" một cách thiết thực, hạn chế tính hình thức, chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua. Các trường xây dựng nhiều câu lạc bộ, sân chơi em yêu khoa học và các hội thi để học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn, hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày...
Bình luận (0)