Hàng chục trường ĐH, đặc biệt là những trường tốp đầu, sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.
Hàng loạt trường ưu tiên xét tuyển
Mùa tuyển sinh năm 2022, hàng chục trường ĐH tốp đầu như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, ĐHQG Hà Nội… đều thông báo sẽ xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS.
Các trường đại học tư vấn cho học sinh các phương thức xét tuyển vào đại học .Ảnh: QUANG LIÊM
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 10-5 cho biết năm nay xét tuyển 7.990 sinh viên với 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển tài năng (10%-20% chỉ tiêu), xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (50%-60%) và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (30%-40%). Trong cả 3 phương thức trên, trường đều đặt ra những yêu cầu đối với chứng chỉ ngoại ngữ. Cụ thể, với xét tuyển tài năng, thí sinh có ít nhất 1 trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC 4 kỹ năng (hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) có mức điểm quy đổi tương đương IELTS 6.0 trở lên được đăng ký xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh và kinh tế - quản lý. Với xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sau: IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC 4 kỹ năng có mức điểm quy đổi tương đương IELTS 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi sang điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp có nội dung tiếng Anh (thông qua hệ thống quy đổi của trường). Trường hợp xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sau: IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC 4 kỹ năng có mức điểm quy đổi tương đương IELTS 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi sang điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho hay dành 10%-15% trong 6.100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội hoặc ĐHQG TP HCM và 15%-20% để xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1-6, đạt IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng L&R 785, S 160 & W 150) trở lên.
Trường ĐH Ngoại thương cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại. Các trường thuộc khối Công an Nhân dân thông báo xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc TOEFL iBT hoặc HSK...), đạt học lực giỏi trong 3 năm học THPT phù hợp với quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Công an.
Các điều kiện khác
Việc hàng loạt trường ĐH xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã dẫn đến tình trạng thí sinh thành phố đổ xô luyện thi IELTS, trong khi thí sinh ở nông thôn lo ngại bất bình đẳng khi xét tuyển, đặc biệt là vào những trường ĐH lớn.
Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một xu hướng tuyển sinh lành mạnh. Trên thực tế, việc các trường đưa ra mức điểm quy định và quy đổi đối với các chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là điểm sàn xét tuyển. Ngoài chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh còn cần đáp ứng nhiều điều kiện nữa mới có thể trúng tuyển. "Nhiều trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, xem chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là căn cứ để xem xét sử dụng kết hợp với các phương thức xét tuyển khác. Việc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một lợi thế, chứ không phải cứ có chứng chỉ nộp vào là trúng tuyển nên thí sinh có thể yên tâm" - PGS Phạm Huyền khẳng định.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng một số cơ sở giáo dục ĐH tốp đầu học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên việc các trường sử dụng thêm tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển là điều bình thường. Tuy nhiên, các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh trường chuyên nên thí sinh vẫn hoàn toàn có thể trúng tuyển, không mất cơ hội như lo lắng.
Thống kê năm nay cho thấy 90% trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp và học bạ bên cạnh các phương thức khác nên cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn, trừ những trường chuyên thi năng khiếu.
"Số chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số trường ĐH tốp đầu năm nay có giảm nhưng chỉ dịch chuyển giữa 2 phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn" - PGS Nguyễn Thu Thủy nói.
Sẽ có thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết trong tương lai có thể các cơ sở sẽ có những điều chỉnh, thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp yêu cầu của mỗi trường nhưng năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định. Bà Thủy cũng nhấn mạnh khi thí sinh mong muốn đỗ vào những trường tốp đầu cũng đồng nghĩa là mức độ cạnh tranh rất cao. Dù các em chọn phương thức nào để xét tuyển thì đều phải "chiến đấu" với nhiều thí sinh giỏi trên toàn quốc.
Bình luận (0)