Các ý kiến ủng hộ đề xuất bỏ thi nêu lập luận rằng bỏ thì sửa Luật Giáo dục (sửa đổi 2019), đồng thời giao quyền cho các trường THPT xét học bạ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh (HS).
Nếu vin vào dịch bệnh để đưa ra phán quyết theo kiểu cơ học như vậy thì đơn giản. Đó cũng là việc dễ làm của ngành giáo dục hiện nay vì trút bỏ được một gánh rất nặng. Đa số phụ huynh và HS chắc chắn ủng hộ vì quá "khỏe".
Tuy nhiên, nếu quan tâm đến chất lượng giáo dục và đào tạo thì sẽ thấy vấn đề không đơn giản như thế. Khi bỏ thi THPT quốc gia và giao cho các trường/ địa phương xét công nhận tốt nghiệp bằng học bạ thì chuyện đầu tiên tức khắc sẽ xảy ra: tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ rất cao, số lượng HS giỏi sẽ rất nhiều. Đây chính là nguồn tuyển sinh của hơn 230 trường đại học, là nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Mà chất lượng nguồn tuyển đã ảo ngay từ đầu vào đến vậy thì đầu ra sẽ thế nào? Xin mượn một thành ngữ của lĩnh vực điện toán để trả lời: "Garbage in, garbage out" (nghĩa rộng: Đầu vào là hàng dỏm thì đầu ra cũng là hàng dỏm)!
"HS giỏi rất nhiều" nhưng thực chất "rất nhiều HS không giỏi" - bài học đắng này ngành giáo dục đã từng nếm trải sau khi bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và tốt nghiệp THCS. Thực tế cho thấy sau khi xét công nhận tốt nghiệp tiểu học (thay vì dựa vào kết quả thi) thì tỉ lệ HS giỏi quá lớn, làm khó cho các trường khi nhận HS vào lớp 6 vì hầu như em nào cũng điểm 9, điểm 10 cả! Bậc THCS cũng thế, kết cục là nhiều địa phương phải tổ chức thi xét tuyển vào lớp 10. Từ bài học nhãn tiền này có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra khi bỏ thi THPT quốc gia.
Kỳ thi THPT quốc gia có thể chưa đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực HS nhưng đó là thành trì cuối cùng có vai trò sàng lọc, phân hóa chất lượng HS, tránh tình trạng "dắt nhau vào đại học"! Dựa vào đó, giữa HS với nhau sòng phẳng tranh tài để giành cơ hội vào các trường đại học tốp đầu, không phải "cá mè một lứa". Cũng dựa vào đó, các trường đại học, cao đẳng chọn được nguồn vào đúng thực chất hơn, giúp tăng uy tín về đào tạo nguồn nhân lực.
Và nếu định bỏ thi THPT quốc gia, cần phải cân nhắc khi nghĩ tới những hệ lụy khác nữa.
Theo Quyết định 522/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018, từ năm 2020 này, chỉ có 60% HS sau khi tốt nghiệp THPT được vào các trường đại học. Theo quy định này cùng với việc bỏ thi THPT quốc gia thì sẽ xảy ra tình trạng "nước chảy chỗ trũng", tức là các trường đại học tốp đầu sẽ "hút" hết; khi đó khối ngoài công lập lấy đâu ra nguồn tuyển, họ "sống" bằng gì?
Còn nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ dựa vào đâu để đánh giá hiệu quả nếu không có một kỳ thi quy mô cấp quốc gia?
Một trong những điểm yếu trầm kha của giáo dục đại học Việt Nam là nguồn nhân lực đã qua đào tạo không thật sự đạt chất lượng. Chưa khắc phục được nhược điểm này thì đừng để nó sa sút thêm.
Bình luận (0)