Vừa qua, Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) phối hợp Sở Y tế TP tổ chức Lễ trao Giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020", nhằm vinh danh những đóng góp vì sức khỏe cộng đồng của đội ngũ thầy thuốc trên khắp cả nước.
Từ 60 đề cử của các cơ sở y tế toàn quốc, hội đồng chuyên môn đã thống nhất chọn 22 đề cử để công chúng bình chọn 16 thành tựu y khoa ấn tượng năm 2020.
Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch với thành tựu "Công trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng" nằm trong chương trình "Âm ngữ trị liệu" đã xếp thứ 3 trong tổng số 16 thành tựu được vinh danh.
PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (thứ 4 từ trái qua, hàng đầu tiên) nhận giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2020.
PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ để công trình được thành công như hôm nay là nhờ vào sự đóng góp, nhiệt huyết của đội ngũ bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, chuyên viên, nhân viên y tế… trong trường cũng như của Phòng khám Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch ngoài nhiệm vụ đào tạo nhân lực y tế còn tiến hành dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong quá trình 10 năm thực hiện chương trình, trường đã chủ động liên hệ với Úc để đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn Âm ngữ trị liệu và chuyển giao cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Là một trong những người đặt nền móng cho chương trình "Âm ngữ trị liệu" giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tại Việt Nam, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, không giấu được sự hạnh phúc khi chương trình này đã được công chúng và đồng nghiệp ghi nhận.
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung là một trong những người đầu tiên mang chương trình "Âm ngữ trị liệu" về Việt Nam
"Phương pháp Âm ngữ trị liệu giúp huấn luyện trẻ tự kỷ, giúp thầy cô giáo, phụ huynh có kỹ năng chuyên môn hơn để nhanh chóng đưa trẻ tự kỷ hòa nhập. Vì vậy, ngoài việc phát triển giảng dạy, đào tạo Âm ngữ trị liệu trong toàn quốc, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã thiết lập ra mô hình mẫu để những người được đào tạo có thể áp dụng tại địa phương" – BS Ngọc Dung cho hay.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết chương trình "Âm ngữ trị liệu" là mô hình vừa dạy vừa trị liệu của Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Trong đó, lấy trẻ làm trung tâm, xung quanh được chăm sóc bởi chuyên gia ngành y tế, giáo dục, phụ huynh và cộng đồng xã hội, là sự phối hợp liên ngành và đa ngành.
Với chương trình "Âm ngữ trị liệu", trẻ tự kỷ được bác sỹ, giáo viên, ba mẹ phối hợp dạy các kỹ năng
Theo ThS Hoàng Văn Quyên, chuyên gia Ngôn ngữ trị liệu trực tiếp thực hiện chương trình "Âm ngữ trị liệu" cho trẻ tự kỷ tại Phòng khám Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đến nay đã có 75/225 trẻ tự kỷ của mô hình này hòa nhập cộng đồng.
Quy trình trong chương trình này được chia thành 3 lớp, lớp can thiệp sớm dành cho trẻ dưới 5 tuổi, lớp tiền học đường cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1, lớp chuyên dạy kỹ năng sống cho trẻ 7-8 tuổi nhưng chưa làm chủ được cách giao tiếp và lời nói. Mỗi lớp sẽ nhận khoảng 10-20 em, có 10 giáo viên cho cả 3 lớp.
Bình luận (0)