Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, cả nước có 591 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với tổng chỉ tiêu 374.787. Tuy nhiên, hết năm 2012, số thí sinh (TS) đến nhập học hệ TCCN chỉ đạt 63,5% so với tổng chỉ tiêu.
Chọn “thầy”, chê thợ
Năm 2012, phần nhiều TS hệ trung cấp lại chọn học tại các trường ĐH, CĐ. Số TS đến nhập học tại các trường CĐ là 107.068, chiếm 42,6%; các trường ĐH là 26.695, chiếm 10,6% và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN là 4.758, chỉ đạt 1,9%. Trong khi đó, số TS nhập học tại các trường TCCN chỉ 112.681, chiếm 44,9%.
Nhiệm vụ quan trọng của hệ TCCN là đào tạo ra những người thợ, thay vì làm “thầy”. Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy TS TCCN có xu hướng chọn những ngành làm “thầy” thay vì làm thợ. Cụ thể, ngành sức khỏe có lượng TS chọn học nhiều nhất với gần 90.000 em (chiếm khoảng 34%), tiếp theo là kinh doanh và quản lý với hơn 50.000 TS (22%), công nghệ kỹ thuật: hơn 40.000 TS (17%), đào tạo giáo viên: hơn 36.000 TS (14%).
Khối ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, môi trường, sản xuất - chế biến vốn rất cần nhân lực thì lại có số TS đăng ký dự tuyển và nhập học rất thấp. Hai lĩnh vực môi trường, sản xuất - chế biến chỉ có số TS nhập học chưa đầy 1%.
Giải thích về tình trạng khó tuyển khiến các trường TCCN phải dở khóc dở cười này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng do TS vẫn nặng tâm lý phải vào ĐH nên từ chối các trường trung cấp. “Số học sinh tốt nghiệp THPT vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn tăng, cộng với thời gian tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học TCCN gặp nhiều khó khăn” - ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, giải thích.
Ngoài ra, thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều TS và gia đình không muốn cho con đi học TCCN vì điều kiện tìm được việc làm ngày càng trở nên khó khăn, thu nhập đối với lao động có trình độ TCCN thấp. Lãnh đạo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa là công tác hướng nghiệp ở bậc học phổ thông còn nhiều hạn chế nên nhiều học sinh và gia đình vẫn lựa chọn học CĐ, ĐH làm con đường phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của Trung ương và ở các địa phương chưa được chú trọng nên khó thu hút TS vào học trung cấp. Chính vì khó tuyển sinh nên một số trường đã điều chỉnh mạnh về cơ cấu ngành nghề để thu hút TS. Một số trường nghiêng hẳn về phía khoa học công nghệ...
Cho phép tuyển nhiều đợt
Bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt việc liên thông. Theo đó, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN chưa đủ 36 tháng sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy. Quy định này khiến lãnh đạo nhiều trường TCCN hết sức lo lắng bởi rất nhiều TS chọn học trung cấp để sau này liên thông lên CĐ, ĐH. Với quy định mới, dự kiến việc tuyển sinh năm nay không chỉ là 63% mà có thể sẽ còn thấp hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, lại cho rằng mỗi hệ đào tạo có mục tiêu, chuẩn đầu ra riêng để cung cấp lao động cho thị trường nhân lực. Một trường nghề đầu tư máy móc, thiết bị học tập rất tốn kém, trong khi người học ra lại chỉ chăm chăm lên liên thông thì quá lãng phí.
Năm 2013, Bộ GD-ĐT thống nhất việc tuyển sinh TCCN vẫn theo hình thức xét tuyển. Riêng đối với các ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi hoặc xét tuyển. Việc xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2013 của TS. Nhằm thu hút được TS, Bộ GD-ĐT đồng ý để các trường tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng.
Bình luận (0)