Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra dự kiến phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022. Theo đó, nhà trường sẽ dành khoảng 30%-40% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển thẳng dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả thành tích học phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Nhiều trường chỉ dành 10%-20%
Ngoài ra, trường dành 60%-70% chỉ tiêu cho tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP Hà Nội và một số cơ sở giáo dục ĐH khác. Năm tới, chỉ có khoảng 10%-20% chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), cho biết trong 2 năm 2020 và 2021, trường dành tỉ lệ chỉ tiêu cho phương án xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM lần lượt là 70% và 60%. Tỉ lệ này đã là cao, nếu thí sinh trúng tuyển nhập học đúng theo tỉ lệ này thì phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng 10%, bên cạnh các phương thức xét tuyển khác.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM năm 2021 (Ảnh: TẤN THẠNH)
Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho biết năm 2021 có 50% thí sinh nhập học bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 40% theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức và 10% chỉ tiêu theo các phương thức khác.
Thạc sĩ An cho rằng phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là cơ bản. Kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được nhiều thí sinh quan tâm nhưng để có nhiều hơn nữa thí sinh tham gia kỳ thi này và sử dụng kết quả để xét tuyển thì cần mở rộng quy mô tổ chức thi ở nhiều địa phương. Ngoài ra, các trường cũng không thể dựa mãi vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển khi mục đích chính của kỳ thi chỉ là đánh giá để xét tốt nghiệp THPT.
Cải tiến kỳ thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết sau 4 năm thực hiện, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM đã góp phần đánh giá chính xác và toàn diện hơn năng lực của thí sinh, giúp tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp cho giáo dục ĐH.
"ĐHQG TP HCM sẽ nghiên cứu xây dựng bài thi riêng, phù hợp với những ngành đào tạo chuyên biệt như y khoa. Đây cũng là những ý kiến đóng góp, phản hồi của các trường ĐH y về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM trong thời gian qua. Và từ năm 2022, ĐHQG TP HCM sẽ mở rộng địa điểm thi ngoài 7 địa phương như năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia kỳ thi này" - ông Nguyễn Quốc Chính thông tin.
Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như những năm trước. GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội, cho hay năm 2022 trường dự kiến tổ chức 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8-2022.
Trong đó, kỳ thi diễn ra vào tháng 2 có thể tổ chức cho các thí sinh tự do và học sinh có nhu cầu. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 có thể tham gia thi.
Đề thi đánh giá năng lực của trường khác với đề kiểm tra kiến thức thuần túy nên các em có thể thử sức ở nhiều đợt khi chưa đạt. Việc tổ chức nhiều đợt thi cũng tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở giáo dục ĐH ở nhiều quốc gia đã làm.
Kết quả tốt nghiệp chỉ để sơ tuyển
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn, bảo đảm số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh. Đặc biệt, với kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG, kết quả của kỳ thi không chỉ được các trường ĐH thành viên sử dụng mà còn là căn cứ để các trường ĐH khác có chung mục tiêu có thể sử dụng để xét tuyển chung.
Bình luận (0)