Chương trình “Vì khát vọng Việt - Đưa trường học đến thí sinh 2013” do Báo Người Lao Động phối hợp với các sở GD-ĐT, các trường THPT, các trường ĐH-CĐ tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã diễn ra liên tục tại 6 tỉnh, thành gồm: TPHCM, Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ từ ngày 24-2 đến 24-3. Chương trình đã phần nào giải tỏa được lo lắng của các học sinh (HS). Thực tế cho thấy nhu cầu được tư vấn, hướng nghiệp cho HS vẫn còn rất lớn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM) đặt câu hỏi với ban tư vấn
Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều trăn trở, lo âu
Lời cảm ơn
Ban tổ chức chương trình chân thành cảm ơn các thành viên trong ban tư vấn và sự tham gia, hỗ trợ nhiệt tình của Sở GD-ĐT TPHCM, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM); Sở GD-ĐT Đồng Nai và Trường ĐH Lạc Hồng; Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam và Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ), Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng); Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk và Trường THPT Lê Quý Đôn (Buôn Ma Thuột); Sở GD-ĐT TP Cần Thơ và Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ); các đài truyền hình, cơ quan báo chí địa phương.
Cảm ơn sự hỗ trợ trao học bổng cho HS có câu hỏi hay của mạng onthi.net.vn; hỗ trợ học bổng cho HS nghèo của Trường ĐH Văn Hiến; đặc biệt là Công ty CP Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã tài trợ cho chương trình. |
Tại mỗi địa điểm tư vấn, chúng tôi đều thăm dò xem bao nhiêu HS đã chọn cho mình được ngành, trường để đăng ký dự thi nhưng chỉ có khoảng 60% giơ tay. Còn lại các em vẫn chưa biết phải lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình. Hàng trăm câu hỏi bày tỏ hàng trăm nỗi lo, tâm trạng khác nhau khi kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời các em cận kề.
Nhiều câu hỏi hiện rõ sự phân vân, như: “Cả 3 năm em đầu tư học các môn tự nhiên nhưng đến giờ chót em lại thấy mình thích ngành tâm lý học. Em phải làm sao?” (một HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM); “Em đang trong quá trình “đấu tranh” với ba mẹ trong việc lựa chọn tương lai. Em muốn chọn ngành cơ khí điện tử để chế tạo máy móc nhưng ba em nói em mơ hồ quá, không tin tưởng em nên khuyên em nên theo ngành công nghệ thông tin, mà chỉ còn 2 tuần nữa hết hạn nộp hồ sơ rồi...” (HS Nguyễn Phúc Huy, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ).
“Em là nữ nhưng rất đam mê máy móc, cơ khí nhưng truyền thống nhà em làm nghề về sư phạm. Em nên theo sở thích hay truyền thống gia đình?” (HS Trương Thị Ngân, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam)… TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thành viên ban tư vấn, đánh giá: “Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là hết hạn đăng ký dự thi song nhiều em còn phân vân, nhầm lẫn trong việc chọn nghề, chọn ngành, chọn trường. Điều này cho thấy đáng ra công tác tư vấn hướng nghiệp phải được triển khai sớm hơn”.
Không chỉ lo việc chọn trường, chọn ngành, nhiều khi chúng tôi phải bật cười với các câu hỏi liên quan đến chuyện ăn, chuyện ngủ rất thực tế của các em, như: “Mỗi ngày em ngủ đủ, sáng dậy rất tỉnh táo nhưng cứ ngồi vào bàn học lại buồn ngủ. Vấn đề này giải quyết như thế nào?” (HS Nguyễn Vân Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM).
“Càng đến kỳ thi em càng lo lắng, đêm nào cũng 1-2 giờ mới ngủ được. Bí quyết nào có thể ngủ sớm?” (HS Trần Thị Minh Đức, Trường THPT Trí Đức, TPHCM). Những câu hỏi như vậy cho thấy nỗi lo âu về kỳ thi đã thực sự đi vào bữa ăn, giấc ngủ của học trò. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy rõ sự lo lắng của phụ huynh HS khi tại các chương trình, rất nhiều người đã chen chân để được tư vấn…
Bền bỉ chia sẻ
Chương trình đã quy tụ nhiều chuyên gia tuyển sinh, hướng nghiệp giàu tâm huyết, hết lòng vì thí sinh như TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ThS Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy - Trường ĐH Hoa Sen, cùng đại diện các trường: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ…
Các thầy cô trong ban tư vấn đã vượt qua trở ngại của đường xa, nắng gắt, bền bỉ “đưa trường học đến thí sinh”, trên hết là đến với các em bằng sự chia sẻ chân tình. Để kịp tổ chức chương trình tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo đúng kế hoạch, các thành viên trong ban tư vấn và những người thực hiện chương trình phải di chuyển từ Pleiku (Gia Lai) trong đêm khuya để được đến với các em. Tại Cần Thơ, dù trời nắng gắt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng các chuyên gia tư vấn vẫn nhiệt tình trả lời hết các câu hỏi của HS…
Ở mỗi buổi tư vấn, chúng tôi đều khuyến khích HS có sự trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, đi sâu vào vấn đề. Do đó, nhiều câu “hỏi xoáy” đã thực sự làm khó ban tư vấn một cách rất thú vị. Em Lương Thùy Vy, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), hỏi: “Trong trường hợp em đoạt giải 3 kỳ thi HS giỏi quốc gia thì có được sử dụng đồng thời 2 quyền xét tuyển và tuyển thẳng không?”. Sau khi được TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn cụ thể, Vy cho biết nhờ chương trình mà em biết rõ hơn HS giỏi quốc gia sẽ được sử dụng cả 2 quyền tuyển thẳng và đăng ký dự thi. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6 mới có kết quả tuyển thẳng, do đó em sẽ đăng ký một trường phù hợp để dự thi...
Chính sự chân tình, nhiệt huyết của các thầy cô trong ban tư vấn đã tạo nên dấu ấn, sức hút của chương trình. Với sự tham gia của hơn 10.000 HS tại các tỉnh - thành, những người thực hiện chương trình tin tưởng rằng đã góp phần giúp các HS thêm vững tin lựa chọn ngành học đúng đắn, phù hợp để bước vào tương lai.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, PHÓ GIÁM ĐỐC ĐH QUỐC GIA TPHCM:
Kết hợp nhiều loại hình tư vấn
Báo Người Lao Động đã thực hiện khá đầy đủ các loại hình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, từ biên tập và xuất bản Cẩm nang tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 đến tư vấn trực tiếp cho HS, tư vấn trực tuyến (online), có kết hợp với truyền hình trực tiếp và tường thuật online. Người dẫn chương trình chuyên nghiệp, góp phần thành công không nhỏ của chương trình. Tại các tỉnh xa, chương trình chọn đúng điểm (Quảng Nam, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ) và những nơi này đã phối hợp khá tốt... Năm sau, chương trình nên mở rộng địa điểm, quy mô các buổi tư vấn trực tiếp; xây dựng bộ máy tư vấn chuyên nghiệp, tinh gọn, kết hợp với bộ máy tư vấn của các trường tham gia; kết hợp nhiều trường vào một điểm tư vấn…
PGS-TS ĐẶNG VŨ NGOẠN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TPHCM:
Vai trò kết nối
Học sinh còn nhiều vướng mắc về hướng nghiệp và đáng ra công tác này phải được thực hiện từ khi các em còn học lớp 10, 11 và do các trường THPT thực hiện thường xuyên, quanh năm chứ không phải đến “sát nút” mới được tư vấn. Về phía các trường ĐH, CĐ, nên có sự thay đổi trong việc tuyển sinh xuất phát từ chính nội tại của các trường như xây dựng những ngành học phù hợp với thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên…
Chương trình đã giữ vai trò kết nối, giúp các trường đến gần hơn với thí sinh. Báo Người Lao Động nên có thêm chương trình tư vấn, hướng nghiệp hướng tới đối tượng là người lao động trong các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo cao kỹ năng...
TS TRẦN ĐÌNH LÝ, TRƯỞNG PHÒNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM TPHCM:
Dư âm tốt
Chương trình mang tính xã hội rất cao. Với kết quả đạt được, tôi nghĩ chương trình này sẽ có tiềm năng nâng tầm vóc, thông qua chính đối tượng của chương trình là đông đảo HS ở nhiều vùng miền khác nhau và đều có nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp; những người đồng hành của chương trình rất tâm huyết. Nhìn ánh mắt, nụ cười của họ sẽ quên tức thì sự mệt nhọc. Mặc dù không thể tránh những khó khăn nhưng theo tôi, chương trình đã thành công, hiệu quả. Thời gian bố trí các buổi tư vấn cũng khá hợp lý. Chương trình đặc biệt ấn tượng với tôi bởi sự nhiệt tình của Ban Khoa giáo - Y tế Báo Người Lao Động, để lại dư âm tốt.
|
Đơn vị đồng hành - tài trợ:
Bình luận (0)