Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có 629.833/843.687 thí sinh (TS) đã đến làm thủ tục dự thi tại các điểm thi trên toàn quốc vào ngày 3-7 (đạt tỉ lệ 74,65%). Cụm thi Vinh (Nghệ An) chỉ có 63,96% TS đến làm thủ tục trong khi tỉ lệ này ở ĐH Đà Nẵng đạt 80,28%. Tại TP HCM, tỉ lệ TS đến làm thủ tục khá cao, nhiều trường đạt trên 80%. Điều đặc biệt là TS dự thi khối A1 đông hơn TS khối A, dù đây mới chỉ là năm thứ hai tổ chức thi khối này.
Nhiều sai sót
Có mặt tại Hội đồng Tuyển sinh (HĐT) Trường ĐH Sài Gòn vào sáng 3-7, chúng tôi chứng kiến vài trăm TS tập trung chỉnh sửa hồ sơ. TS Nguyễn Thị Thanh (Long An) dự thi vào ngành giáo dục tiểu học bậc ĐH nhưng giấy báo thi lại ghi ngành thi là CĐ; TS Trần Thị Mai (Bình Phước) đăng ký hệ CĐ ngành quản trị văn phòng nhưng trong giấy báo thi lại để trống... Hàng loạt TS nhận được giấy báo thi mà không có dấu mộc ở hình ảnh hoặc là không có hình nên đã phải đến xin được đóng dấu và chỉnh sửa các sai sót.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, có khoảng 70 trường hợp TS phải chỉnh sửa hồ sơ, có TS phải chuyển địa điểm thi vì sai sót. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, có 90 trường hợp TS chuyển đổi cụm thi, khối thi đã được trường giải quyết. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM cũng có khoảng 60 trường hợp phải chỉnh sửa hồ sơ. Các sai sót chủ yếu là tên - họ, ngày tháng năm sinh, khu vực… ghi trên giấy báo thi. Tại TP Cần Thơ, hơn 112 TS phải chỉnh sửa sai sót trong giấy báo dự thi, chủ yếu là sai sót về đối tượng, ngành, tên, hộ khẩu, ngày sinh, trường. Tại HĐT Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật của Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa), TS Nguyễn Ngọc Trung Bình Đẳng có đến 3 số báo danh.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, việc chuyển khối thi, cụm thi rất quan trọng vì thay đổi khối thi, cụm thi sẽ thay đổi địa điểm thi.
Kiểm soát thiết bị ghi âm, ghi hình
Nhiều giám thị cho biết lo lắng của các cán bộ coi thi là việc kiểm soát các thiết bị ghi âm, ghi hình không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có Bluetooth, WiFi… mà TS được mang vào phòng thi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Lãnh đạo Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy đã phát hiện loại thiết bị trông giống đồng hồ đeo tay thời trang nhưng có màn hình cảm ứng và người dùng có thể sử dụng để quay cóp nên bị cấm.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trong buổi sáng làm thủ tục có một số TS “xin” được đưa máy chụp ảnh vào phòng thi để chụp lại bài thi. Tuy nhiên, các máy ảnh này đều có màn hình không đúng quy cách nên không được chấp nhận.
CHUYỆN BÊN LỀ
Chưa thi đã xuất huyết não
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ (TP Cần Thơ), BV này vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Kha (SN 1995, ngụ thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) bị xuất huyết não. Bà Nguyễn Thị Nương, mẹ của Kha, cho biết: “Sáng 2-7, tôi đưa con lên TP Cần Thơ dự thi vào Khoa Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Cần Thơ và ở trong KTX của trường. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Kha đang ôn bài thì nhức đầu và ngất xỉu. Khi đến BV cấp cứu, bác sĩ bảo bị xuất huyết não”. Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu đột ngột, đã vỡ phình dị dạng, có tụ máu trong não, được chỉ định mổ khẩn cấp. Hiện bệnh nhân vẫn hôn mê, phải thở bằng máy.
Rơi ví…
Tại HĐT Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, TS Trần Kim Đạt (ngụ tỉnh Thanh Hóa) đánh rơi ví, trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng như giấy báo dự thi, CMND. Đội Tiếp sức mùa thi tại đây đã thông báo trên hệ thống loa của trường mời nhận lại nhưng TS này vẫn chưa đến.
Nhà trọ, khách sạn tăng giá
Đến sáng 3-7, nhiều phụ huynh và TS vẫn tập trung xung quanh các địa điểm thi để tìm nhà trọ gần nhất. Giá nhà trọ và các khách sạn gần các điểm thi tăng mạnh. Nhiều khách sạn ngày thường cho thuê theo giờ nhưng sát ngày thi chuyển thành cho thuê ngày với giá cả tăng gấp 5 lần.
C.Linh-Đ.Trinh-H.Nhung |
Đến trường thi trên đôi chân tật nguyền Bị liệt cả 2 chân từ năm 2 tuổi do sốt bại liệt, TS K’Hoàng (23 tuổi, ngụ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) vượt gần 200 km lên Đà Lạt dự thi. Đối với K’Hoàng, để có ngày dự thi vào Trường ĐH Đà Lạt (Khoa Công nghệ Thông tin) hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng suốt 12 năm qua. Ngày 2-7, sau khi đưa K’Hoàng lên TP Đà Lạt, ba của em phải trở về nhà lo việc gia đình. Sáng 3-7, Hoàng đến phòng làm thủ tục dự thi rất sớm. Trên chiếc xe lăn đã cũ kỹ, không có ai là người thân bên cạnh nhưng K’Hoàng không đơn độc vì đã có những sinh viên tình nguyện giúp đỡ. Mong muốn lớn nhất của K’Hoàng là trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Xúc động với thí sinh “lưng gù” Tại HĐT Trường ĐH Quảng Nam, nhiều TS và giám thị xúc động trước hình ảnh của TS “lưng gù” Nguyễn Thị Hồng (20 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi), có chiều cao hơn 1 m, dáng người nhỏ thó, khép nép bên cha đến làm thủ tục dự thi. Ông Nguyễn Lai (45 tuổi, bố của Hồng) nghẹn lòng: “Cháu bị bệnh bẩm sinh. Gia đình phát hiện sau lưng cháu có một khối u nhỏ, càng lớn lên thì khối u to dần như một chiếc mu rùa sau lưng cháu. Lúc nhỏ, Hồng chỉ ngồi một chỗ, đến 7 tuổi mới chập chững đi từng bước và đến 9 tuổi mới học lớp 1. Tôi làm nghề bốc vác thuê, mẹ cháu ở nhà làm ruộng nhưng vợ chồng tôi đều dành thời gian chở cháu đi học. Hôm qua, cha con tôi từ Quảng Ngãi đón xe đò ra TP Tam Kỳ. Nhà có chút ít tiền để dành và vay mượn thêm của hàng xóm mới đủ để đi. Ra đây, cha con tôi vào ở KTX của trường, chỉ có tốn 10.000 đồng/ngày đêm”. Hồng tâm sự dù sức khỏe kém cộng với khối u to sau lưng nhưng em không đầu hàng số phận. Hồng đăng ký dự thi vào ngành kế toán của Trường ĐH Quảng Nam và ngành dược của Trường ĐH Y Dược Kỹ thuật Đà Nẵng. Từ chối đặc cách Sáng 3-7, TS Văn Nhật được mẹ cùng thầy giáo dẫn đến HĐT Trường ĐH Đông Á (TP Đà Nẵng) để làm thủ tục dự thi. Nhật là học sinh khiếm thị nội trú tại Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) và đi học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Nhật dự thi khối A vào ngành quản trị kinh doanh tổng quát của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.
Thí sinh Văn Nhật sẽ làm bài thi bằng bảng chữ nổi với sự trợ giúp của các thầy cô giáo. Ảnh: THÚY PHƯƠNG Thầy giáo Nguyễn Duy Quy, giáo viên Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết suốt 3 năm học THPT, Nhật đều là học sinh giỏi và là thành viên của đội văn nghệ của trường, chơi đàn organ rất giỏi. Trong kỳ thi thử ĐH, Nhật đạt 23 điểm, dẫn đầu toàn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Năm 2013, Nhật đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi môn hóa cấp TP của Đà Nẵng. ĐH Đà Nẵng có gợi ý Nhật làm hồ sơ xin được đặc cách nhưng em không chịu và giấu ba mẹ. Nhật cho biết em muốn thi vào ĐH bằng chính học lực của mình chứ không muốn được đặc cách. Bà Nguyễn Thị Anh, mẹ của Nhật, cho biết Nhật bị mù từ năm 2 tuổi. B.Vân - Th.Phương - K.Lịch |
Báo Người Lao Động phối hợp với mạng ôn thi trực tuyến onthi.net.vn tổ chức giải đề thi trên Người Lao Động Điện tử (www.nld.com.vn) sau mỗi buổi thi và đăng trên báo in số ra ngày hôm sau. Cụ thể: Số báo ngày 5-7 đăng gợi ý giải đề thi môn toán, vật lý; ngày 6-7 đăng đáp án môn hóa khối A và Anh văn của Bộ GD-ĐT. |
Bình luận (0)