Ngay khi clip nữ sinh lớp 12 nêu trên quỳ khóc xin cô giáo tha lỗi, sau đó cô kéo lê em vào lớp được phát tán trên mạng xã hội, dư luận hết sức phẫn nộ với hành động của giáo viên này. Nguyên nhân khiến nữ sinh là bí thư Đoàn lớp bị mời ra ngoài cửa rồi quỳ khóc đến mức ngất đi chỉ là vì đặt sai mẫu bánh sinh nhật từng thống nhất với cô chủ nhiệm.
Chia sẻ quan điểm về xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy mạnh văn hóa học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng một ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Về phía ngành giáo dục, việc quan trọng đầu tiên là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Văn hóa học đường khi được triển khai tốt, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường, tự khắc nó đem đến các giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc.
"Văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy; coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. Cho nên, muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh. Đương nhiên, một trường học có văn hóa không thể có bạo lực" - người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với việc xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, cốt lõi vẫn là thực hiện tốt chuyên môn giúp học sinh học tập một cách chủ động, ham học. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú trọng dạy người cùng với dạy chữ.
Bộ GD-ĐT đang cho rà soát, làm mới Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, để có văn hóa học đường và trường học hạnh phúc, trước hết phải thực hiện thật tốt việc dạy và học chuyên môn; thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng thay đổi phương pháp dạy và học. Người thầy từ chỗ truyền đạt, truyền thụ, chuyển giao kiến thức chuyển sang là người tổ chức hoạt động học tập, định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho học sinh, để các em tự tích lũy, tự hình thành năng lực, phẩm chất. Các hoạt động đó nếu thực hiện thật tốt sẽ tạo ra sự hứng thú cho học sinh.
Bình luận (0)