Lý giải về việc điểm chuẩn "bùng nổ" khiến nhiều thí sinh được mỗi môn 9 điểm vẫn trượt ĐH, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng một phần do đề thi chưa có tính phân hóa cao. Do 2 năm nay thí sinh phải học trực tuyến nhiều đợt nên khi ra đề, Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc để phù hợp với tính chất một kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thêm vào đó, theo PGS Bùi Đức Triệu, các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm... trong khi thí sinh lại tăng nguyện vọng vào ngành hot của các trường top.
Điểm chuẩn "bùng nổ" khiến thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH
GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích thêm dịch Covid-19 đã khiến cả vạn thí sinh có kế hoạch đi du học phải dừng lại. "Các em này kết quả thi rất tốt, đặc biệt là ngoại ngữ, nên cũng khiến điểm chuẩn của các ngành xét bằng điểm thi ngoại ngữ tăng lên"- GS Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi, đánh giá dù kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn mang tính chất "2 trong 1" nhưng thực tế các trường ĐH-CĐ vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy. Kết quả thi Tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong xét tuyển, nhất là khi các kỳ thi riêng rất khó tổ chức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thường diễn ra vào đúng mùa thi.
"Nguyên nhân chính là sự phân hóa của đề thi kém hơn trước và sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển làm giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi đẩy điểm chuẩn tăng mạnh hơn trước. Ngoài ra, còn một nguyên nhân cũng rất quan trọng khác là xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh. Do không được tư vấn, thông tin, định hướng một cách đầy đủ, đa số thí sinh chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, phong trào và chỉ tập trung vào một số ít nhóm ngành về kinh tế, y - dược và liên quan tới công nghệ thông tin,... khiến cho điểm chuẩn tăng rất mạnh, thậm chí cả ở những trường chưa có truyền thống đào tạo hay thế mạnh về những ngành này" – thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích.
Theo thầy giáo nhiều kinh nghiệm này, để rút kinh nghiệm trong mùa tuyển sinh năm tới, thí sinh cần đa dạng hóa các con đường vào ĐH. "Thí sinh có năng khiếu đặc biệt ở một số môn học nhất định, có thể tính tới việc tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi ngay từ năm lớp 10 và 11 để đạt giải. Hiện nay rất nhiều trường ĐH, kể cả trường top đầu đã tuyển thẳng hoặc cộng điểm quy đổi tương ứng với giải thưởng cho học sinh đạt giải thưởng học sinh từ cấp tỉnh/thành phố trở lên. Với những bạn có năng khiếu ở môn ngoại ngữ, nên hoàn thành việc thi Chứng chỉ quốc tế trong năm lớp 11 hoặc trước kỳ I của lớp 12. Bên cạnh đó, để chủ động cho việc xét tuyển bằng học bạ hoặc đáp ứng các điều kiện xét tuyển bằng học bạ, ngay từ năm lớp 10, các em cần duy trì đều đặn việc học thật tốt, ưu tiên các môn học trong khối thi chính dùng để xét tuyển Đại học nhưng cũng phải đảm bảo hoàn thành các yêu cầu tối thiểu ở các môn học còn lại"- thầy Ngọc tư vấn.
Cũng theo giáo viên này, nền móng quan trọng nhất vẫn phải là dựa trên học thật, hiểu thật và có năng lực thật. Chính vì thế, thay vì sa đà vào việc học các công thức tính nhanh, các mẹo tắt, hãy dành thời gian để học thực chất, hiểu thực chất và nắm vững các vấn đề một cách bản chất thì các em mới có đủ năng lực để thích ứng với yêu cầu của bất cứ kỳ thi nào. Khi đã hình thành được năng lực tốt rồi thì trước kỳ thi diễn ra một thời gian ngắn, chỉ cần các em luyện tập với một số đề thi mẫu để làm quen với cách thức là có thể chuyển hóa năng lực thành kết quả.
Bình luận (0)