Kết quả khảo sát của nhiều trường THPT ở TP HCM cho thấy số lượng học sinh (HS) chọn sử, địa làm môn thi tốt nghiệp quá ít. Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) có 634 HS dự thi tốt nghiệp thì chỉ có 27 HS thi địa, 50 HS thi sử; Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), trong số gần 1.000 HS thi tốt nghiệp thì chỉ có khoảng 7-8 HS thi sử, hơn 100 HS thi địa.
Thầy ngán dạy, trò chán học
Ông Nguyễn Hữu Diệu, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức), cho biết trước Tết Nguyên đán, trường có khảo sát xem HS sẽ chọn môn thi tốt nghiệp nào thì kết quả chỉ 30% chọn thi sử, địa. Nay với việc 2 môn này trở thành môn thi tự chọn thì số lượng HS đăng ký sẽ còn giảm rất nhiều. Ở rất nhiều trường THPT khác như THPT Tân Bình (quận Tân Phú), Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp), Lương Thế Vinh (quận 1)... số học sinh chọn môn sử, địa cũng rất ít.
Ông Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), cho rằng khi HS được chọn môn thi tốt nghiệp thì xu hướng của các em là chọn “một công đôi việc”, tức là chọn những môn vừa để thi tốt nghiệp vừa để thi ĐH. Chọn theo hướng đó các em sẽ có nhiều thời gian để ôn tập. Việc HS không chọn sử, địa cũng có nghĩa là các em sẽ không chọn khối C để thi ĐH-CĐ. Với sự lựa chọn này thì môn sử, địa vốn không được HS coi trọng thì nay lại càng trở nên èo uột và dễ bị xem như là môn học phụ.
Bà Phùng Thị Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm (quận 6), cho rằng đặc điểm của 2 môn sử, địa là có nhiều chi tiết nhỏ, khó nhớ nên làm cho HS sợ nếu phải thi 2 môn này. Thực tế, 2 môn học này không đến mức quá khó. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy hiện vẫn chưa thu hút được HS. Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (quận Tân Bình), cho rằng đề thi sử, địa lâu nay về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến này, sự kiện kia trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ chi tiết. Điều này không chỉ khiến học trò sợ mà ngay cả giáo viên dạy những môn này cũng ngán.
Nỗi lo dân ta không biết sử ta!
PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng lý do HS không chọn môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là HS ghét môn sử dù trong thực tế hiện nay, trong cách giảng dạy môn sử, cách ra đề thi các thầy cô phải rút kinh nghiệm nhiều để tránh quá tải cho HS. “Qua những lần dự giờ, khảo sát, chúng tôi nhận thấy HS vẫn rất yêu quý môn này. Các em có thể không lựa chọn môn sử vì chọn môn thi tốt nghiệp THPT trùng với môn thi ĐH” - PGS Oanh nhận định.
Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, việc lựa chọn môn thi, khối thi của HS, ngoài tư vấn của gia đình, cũng phản ánh thực trạng xã hội đó là các em “chạy” theo các ngành kinh tế nên lựa chọn những khối thi liên quan để thi. “Lâu nay, chúng ta đang theo kiểu học thế nào thì thi thế ấy. Quan niệm là môn học thuộc thì dĩ nhiên HS sẽ sợ dù thực tế sử là môn rất cần tư duy và logic. Khi giáo viên yêu mến chính môn học này, tạo hồn cho bài giảng, truyền đam mê cho HS thì lẽ nào HS lại không yêu mến!” - PGS Oanh nói. Ngoài ra, PGS Oanh cho rằng trong tương lai, Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh theo hướng các môn thi tự chọn phải có một môn thuộc khối tự nhiên và một môn thuộc khối xã hội.
PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhìn nhận việc HS không lựa chọn môn sử là hệ quả tất yếu của cả một quá trình chứ không phải chỉ sau khi bị xếp thành môn tự chọn. Trong tình hình hiện nay, cải tiến thi cử có vẻ như có lợi cho HS nhưng với một số môn học, nhất là môn sử là bất lợi. Bởi lẽ, vị trí môn học trong thực tế rất quan trọng đến việc lựa chọn môn thi của HS. Lâu nay, môn sử vẫn bị xem là môn phụ, là môn học thuộc, nếu đã không được coi là môn chính lại nặng nề trong cách dạy và học thì dĩ nhiên HS phải chọn giải pháp an toàn là chọn môn chính chứ không ai chọn môn phụ. “Sâu xa hơn, nếu cứ xếp môn sử thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ càng làm cho môn học này bị coi thường, không phát triển được, dẫn đến hệ lụy là một thế hệ, một nhận thức lịch sử không được coi trọng, dân ta không biết sử ta” - PGS Hồng lo lắng.
Sử phải là môn học và thi bắt buộc
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, nếu muốn vực dậy môn sử trong nhà trường, Bộ GD-ĐT phải có sự điều chỉnh. Ví dụ ở ĐH, những môn như chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là môn bắt buộc, vậy thì ở phổ thông cũng phải để môn sử thành môn học quan trọng, bắt buộc. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên xếp môn sử thành 1 trong 3 môn bắt buộc bên cạnh văn, toán. Bởi vì dù là ngành nghề gì đi nữa thì ngoài công cụ giao tiếp, tư duy logic vẫn phải thấu hiểu lịch sử nước nhà.
Bình luận (0)