Ngày 27-2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã có văn bản số 2508/UBND-VX gửi Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa kiểm tra nội dung thông tin theo phản ánh của Báo Người Lao Động về việc giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 28 và Nghị định 113 của Chính phủ bị "bỏ quên" chế độ suốt nhiều năm qua.
Trường THCS Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa - nơi nhiều giáo viên tham gia dạy học sinh khuyết tật trong nhiều năm qua nhưng không được nhận chế độ theo quy định - Ảnh: Thanh Tuấn
Theo văn bản, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị có liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động; kịp thời có biện pháp nhằm thực hiện việc chi trả tiền trợ cấp cho giáo viên trực tiếp tham gia đứng lớp dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng theo quy định.
Văn bản cũng yêu cầu Sở Tài chính có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh nội dung và kết quả làm việc trước ngày 2-3-2022.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Nghị định 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn, quy định rất rõ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia dạy trẻ khuyết tật.
Ngay sau khi Báo Người Lao Động có 2 bài phản ánh, Sở Tài chính Thanh Hóa đã nhanh chóng có văn bản "đá bóng" trách nhiệm sang Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa
Thế nhưng, kể từ ngày có quy định tới nay, giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy trẻ khuyết tật từ bậc mầm non tới THCS tại tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được đồng phụ cấp nào.
Đáng nói, dù triển khai thực hiện cùng một hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa nhưng giáo viên dạy học sinh khuyết tật cấp THPT tại tỉnh thì được chi trả chế độ đầy đủ, trong khi giáo viên các cấp còn lại (từ mầm non đến THCS) thì không được.
Về bất nhất trong việc chi trả này, theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Quản lý ngân sách huyện, xã Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa - là do huyện không gửi danh sách lên, nên không có căn cứ.
Trong khi đó, tại văn bản trả lời Báo Người Lao Động, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa lại cho biết theo quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 28 và khoản 4 điều 8 Nghị định 113 của Chính phủ và các văn bản liên quan đều không hướng dẫn rõ số học sinh khuyết tật trong một lớp. Do có nhiều ý kiến thắc mắc về vấn đề này nên sở có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), Bộ GD-ĐT và đề nghị liên bộ này có hướng dẫn nhưng hiện 2 Bộ chưa đề cập vấn đề này.
Văn bản phúc đáp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) rất rõ về việc thực hiện chi trả chế độ day trẻ khuyết tật cho giáo viên trong các lớp hòa nhập cộng đồng
Tuy nhiên, ngày 18-11-2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) đã có văn bản phúc đáp rất rõ về mức phụ cấp ưu đãi; về cách tính, hưởng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Theo văn bản này, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Thanh Hóa tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định 28 để thực hiện.
Đáng nói, sau phản ánh của Báo Người Lao Động, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng có văn bản "đá bóng" trách nhiệm sang Sở GD-ĐT đề nghị Sở này xác định đúng đối tượng được thụ hưởng theo thông tư hướng dẫn, trình tỉnh quy hoạch mạng lưới về trường đạt tiêu chuẩn đào tạo trẻ khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Khi có danh mục các trường được tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính mới có căn cứ để thực hiện chế độ.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết nếu công nhận trường đủ điều kiện dạy trẻ khuyết tật thì đó là cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn đây là đối tượng học sinh học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập nên việc yêu cầu điều kiện trên là không cần thiết, giáo viên dạy trẻ khuyết tật đương nhiên được nhận theo quy định.
Bình luận (0)