Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết tất cả GV dạy HS khuyết tật khối THPT trên địa bàn tỉnh đều được chi trả chế độ này hằng năm, với các cấp học còn lại thuộc trách nhiệm của huyện. "Qua kiểm tra, khối THPT do sở quản lý trực tiếp thì thực hiện đúng theo quy định, các GV dạy HS khuyết tật đều được nhận chế độ ưu đãi đầy đủ. Riêng cấp mầm non đến THCS, do huyện quản lý và giao Phòng Tài chính thực hiện. Trách nhiệm của sở chỉ quản lý về chuyên môn như dạy và học, chất lượng dạy học. Còn về con người, chế độ, lương bổng là do huyện" - ông Thức thông tin.
Khi được hỏi về việc cùng một chế độ, một hướng dẫn nhưng tại sao cấp THPT được hưởng mà các cấp học còn lại thì không, bà Trương Thị Vân Anh, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết không thấy cấp dưới phản ánh lên, nếu có phản ánh thì sở sẽ làm việc với Sở Tài chính.
Về bất nhất trong việc chi trả này, theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Quản lý ngân sách huyện, xã Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa - là do huyện không gửi danh sách lên, nên không có căn cứ. "Chế độ GV, HS đều có cả, nghị định quy định rất cụ thể. Huyện phải có tổng hợp báo cáo, có danh sách, bằng chứng cụ thể thì mới tính được, chế độ thì có nhưng không có cơ sở để xây dựng dự toán do huyện không báo cáo, không làm" - ông Hải nói.
Trong khi đó, tại văn bản trả lời Báo Người Lao Động, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa lại cho biết theo quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 28 và khoản 4 điều 8 Nghị định 113 của Chính phủ và các văn bản liên quan đều không hướng dẫn rõ số HS khuyết tật trong một lớp. Do có nhiều ý kiến thắc mắc về vấn đề này nên sở có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Bộ GD-ĐT và đề nghị liên bộ này có hướng dẫn nhưng hiện 2 bộ chưa đề cập vấn đề này.
Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng Công văn số 1488 ngày 1-8-2016 của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện phụ cấp ưu đãi cho GV theo khoản 2 điều 7 Nghị định 28 cũng chưa hướng dẫn cụ thể nên không đủ cơ sở để phê duyệt đối tượng thụ hưởng.
Trả lời của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa trái ngược với những gì phóng viên ghi nhận thực tế và từ thông tin cung cấp của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, bởi thực hiện Công văn 1488 trong nhiều năm qua, khối THPT tại Thanh Hóa đã được hưởng ưu đãi.
Ngoài ra, trả lời các thắc mắc của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, ngày 18-11-2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) cũng đã có văn bản phúc đáp rất rõ về mức phụ cấp ưu đãi; về cách tính, hưởng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Theo văn bản này, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Thanh Hóa tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định 28 để thực hiện. Nhưng không hiểu sao Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa vẫn nói chưa có hướng dẫn (?!).
Theo ông Trần Văn Thức, thời gian tới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa sẽ có văn bản yêu cầu phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố báo cáo việc này, xem trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc để hướng dẫn, báo cáo cấp trên tháo gỡ.
Bình luận (0)