Khơi gợi lòng tự trọng nghề giáo
Tôi coi việc giáo viên ở Nghệ An bị phạt khi đang làm thêm bằng nghề chính của mình là nỗi đau của chính mình cũng như nỗi đau của những người làm nghề giáo.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của người học lẫn giáo viên. Học sinh thì có nhu cầu học thêm để giỏi hơn còn giáo viên dạy thêm để tăng thu nhập và truyền đạt cho học sinh được nhiều hơn. Một điều mà ai cũng thấy là giáo viên hiện nay chưa thể sống bằng lương, nhất là với những giáo viên mới ra trường thu nhập từ lương chỉ vài ba triệu đồng thì họ không thể sống, gắn bó được với nghề. Để sống được và theo đuổi nghề nghiệp mình đã chọn thì giáo viên phải đi làm thêm để sống mà dạy thêm là một cách.
Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm nhằm ngăn chặn những việc làm tiêu cực nhưng vô tình lại làm tổn thương đến tất cả những ai dạy thêm.
Quản lý dạy thêm, học thêm tiêu cực không có gì khó. Cứ để cho giáo viên đăng ký dạy thêm, cung cấp thông tin địa điểm dạy, số học sinh, mức thu và yêu cầu cam kết không bắt ép học sinh phải dạy thêm. Giáo viên có lòng tự trọng của nghề giáo và nên khơi gợi lòng tự trọng này trong việc dạy thêm thay vì đối xử với họ như tội phạm.
Hồ Thị Tuyết Tơ (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM)
Không nên dung thứ cho tiêu cực
Bản thân tôi cũng mở lớp dạy thêm ở ngoài và tôi cho rằng tôi làm thêm bằng chuyên môn, nghề nghiệp thì không có gì phải che giấu, phạm tội. Tuy nhiên, nguyên tắc của tôi là không bao giờ dạy thêm cho học sinh của mình. Việc này không phải tôi sợ mà tôi cho rằng những gì giáo viên dạy trên lớp cho học sinh đã đủ rồi.
Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm theo tôi là không thực tế. Hãy để cho hiệu trưởng quản lý việc dạy thêm của giáo viên trong trường. Giáo viên được mở lớp dạy thêm ở ngoài và có đăng ký với hiệu trưởng. Thực ra, không giáo viên nào có thể ép học sinh đi học thêm được vì việc học với giáo viên nào là do học sinh chọn. Để tránh việc dạy thêm tiêu cực thì học sinh, phụ huynh khi biết giáo viên có biểu hiện ép học sinh học thêm thì nên có ý kiến chứ không nên dung thứ cho việc này.
Nguyễn Thị Thanh Tâm (giáo viên một trường THPT ở TP HCM)
Giáo viên dạy thêm phải đóng thuế
Thực tế trong tình hình hiện nay việc dạy thêm là không thể cấm. Tôi không cổ xúy cho việc dạy thêm nhưng càng không đồng ý với việc hành xử với giáo viên dạy thêm như tội phạm ở một số địa phương hiện nay. Tôi xin đưa ra một số đề xuất.
Thứ nhất: Nên chăng mỗi giáo viên dạy thêm cần có sự đăng ký (chứ không phải xin) để tránh gây sự phiền hà, khó dễ với ban giám hiệu và cơ quan chủ quản dễ quản lý. Thứ hai: Cần kiểm tra phòng học của các nơi dạy thêm, bảo đảm môi trường sư phạm, đủ ánh sáng, không được nhồi nhét học sinh đông. Thứ ba: Cần có quy định bắt buộc, không được dạy thêm đối tượng học sinh mà mình đang dạy chính khóa để tránh tình trạng ép học sinh đi học thêm và không công bằng trong việc đánh giá thi cử. Nghiêm khắc xử lý những giáo viên trù dập học sinh không đi học thêm vì đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thứ tư: Cần có quy định giờ dạy hợp lý, tránh những giờ dạy phản khoa học và không có tác dụng. Thứ năm: Nên đánh thuế thu nhập cá nhân đối với giáo viên dạy thêm. Hiện nay các giáo viên dạy cho các trung tâm đã có đóng thuế thu nhập nhưng các giáo viên dạy ở nhà và thuê địa điểm để dạy thì vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Thực tế các môn giáo dục công dân, thể dục, kỹ thuật, giáo viên có muốn dạy thêm cũng không được. Nhưng cũng có những giáo viên ở thành phố lớn thu nhập rất cao từ dạy thêm, nhiều nhất là tiếng Anh, luyện thi IELTS, TOEFL rồi kế đến là các môn toán, lý, hóa, sinh, văn. Tất nhiên, để có thu nhập như thế, thầy cô cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức thời gian, phải “bán cháo phổi”. Nhưng dẫu sao thầy cô dạy thêm đều ở thành phố, thị xã, thị trấn có điều kiện dạy thêm để tăng thu nhập. Do đó, việc đóng thuế vừa là nghĩa vụ nhưng cũng là sự chia ngọt sẻ bùi cho các đồng nghiệp ở vùng sâu, vùng xa.
Hoàng Thị Thu Hiền (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM)
Bình luận (0)