Sau hơn 2 giờ sẽ có mặt ở Phan Thiết và chỉ trả 250.000 đồng/người. Cùng tuyến đường này sẽ mất 20.000 đồng đi xe máy ra bến xe buýt. Nếu thuận lợi sẽ có chuyến đi suốt đến Bến xe Miền Đông mới mất khoảng 1 giờ. Sau khi mua vé, chờ khách mất khoảng 30 phút xe sẽ chuyển bánh. Gần 3 giờ sau mới đến được Phan Thiết.
Kể lại câu chuyện trên để thấy rằng sự vận hành của các tuyến giao thông từ TP HCM đi các tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông người dân. Họ sẽ mất thời gian gấp đôi nếu đi theo đúng tuyến mong muốn của cơ quan quản lý giao thông. Có khi xe chưa rời bến tại TP HCM thì người đi xe dịch vụ đã đến được Phan Thiết rồi.
Xe dù, bến cóc là vấn đề lưu cữu mấy chục năm qua ở tất cả thành phố lớn chứ chẳng phải riêng TP HCM. Thực tế cũng cho thấy chẳng dẹp được. Cao lắm là khi cơ quan chức năng ra quân xử lý mạnh tay thì tạm lắng rồi sau một thời gian cũng đâu lại vào đấy.
Tình hình bây giờ cũng khác trước. Tại TP HCM có hàng ngàn chiếc xe tư nhân không đăng ký dịch vụ nhưng vẫn đón khách chạy cố định các tuyến từ TP HCM đi khắp các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chỉ cần gọi là có, giờ giấc rất linh động, đưa đón tận nhà. Những hãng xe lớn rất khó cạnh tranh với những xe này và bến cóc cũng là biện pháp chẳng đặng đừng để cạnh tranh sinh tồn cùng xe dù ở thời điểm hiện tại. Phương án buộc người có nhu cầu sử dụng dịch vụ trung chuyển để tới bến xe rất khiên cưỡng và khó thành công. Thực tế không như mong muốn của bến xe mới trong thời gian qua đã minh chứng rõ. Bến xe chỉ đông đúc trong những thời điểm nhu cầu đi lại tăng đột biến như lễ, Tết…
Mức sống của người dân ngày càng cao nên nhu cầu cũng tăng theo và đòi hỏi các dịch vụ đáp ứng cũng phải ngày càng tốt hơn. Vả lại, người dân cũng có nhiều lựa chọn cho dịch vụ đi lại: thuê xe tự lái, thuê chuyến, thuê xe đưa đón tận nhà, hẹn giờ đi lại… Nhu cầu càng cao thì áp lực lên hệ thống giao thông càng lớn, nhất là trên địa bàn TP HCM. Bến cóc, xe dù chỉ là một phần nhỏ của bức tranh về giao thông bức bối hiện nay.
Vấn đề lớn nhất chính là phải tăng được diện tích giao thông. Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, mật độ giao thông tại TP HCM chỉ 2,34 km/km2, bằng 1/5 so với quy định. Kế tiếp là nâng cấp bằng được hệ thống vận tải công cộng, mà hiện nay chính là xe buýt. Các hệ thống metro phải sớm được vận hành để giảm áp lực cho hệ thống giao thông chung.
TP HCM phát triển nhanh thì áp lực về giao thông càng lớn là điều không tránh khỏi. Nhưng dù muốn hay không phải dốc sức, dốc tiền phát triển hệ thống giao thông của TP. Giao thông đi trước mới thúc đẩy các kế hoạch kinh tế và nâng được chất lượng sống của người dân.
Bình luận (0)