Ngày 22-8, HĐND TP HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp tổ chức hội thảo chính sách và giải pháp về GTVT cho phát triển kinh tế xanh tại TP HCM.
Thay đổi nhận thức
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết TP HCM là đô thị lớn nhất cả nước với quy mô dân số hơn 9,4 triệu người, các hoạt động kinh tế - xã hội luôn diễn ra sôi nổi. Từ đó nhu cầu giao thông tại thành phố gia tăng nhanh chóng gây áp lực lên đô thị. Ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm đang là những nguy cơ hiện hữu.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, hội thảo là dịp để nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng, khả năng chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch hướng đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị xanh và bền vững ở TP HCM. Đây cũng là kênh hiến kế chính sách, giải pháp để TP HCM đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất để phát triển giao thông xanh tại TP HCM hiệu quả. ThS Mai Hoài Đan, Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhìn nhận thời gian qua TP HCM có nhiều nỗ lực trong phát triển giao thông xanh theo Quyết dịnh 876 của Thủ tướng.
Dẫn kinh nghiệm các nước Nhật, Anh..., ThS Đan cho rằng TP HCM cần các giải pháp, hành động cụ thể hơn nữa nhằm khắc phục những khó khăn và thách thức đang gặp phải.
Đầu tiên, cần thay đổi nhận thức của nhà quản lý, các doanh nghiệp và cả người dân về tầm quan trọng của giao thông xanh. Bên cạnh đó, có cơ chế về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng cũng như mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, nhìn nhận chi phí đầu tư cho ngành xe điện quá lớn ở giai đoạn khởi đầu. Do đó, ông kiến nghị trong vòng 5-10 năm đầu tiên (tức đến năm 2030 hoặc năm 2035), thành phố nên ưu tiên phát triển xe CNG thay vì xe điện nhằm tiết giảm ngân sách trợ giá, chi phí đầu tư mà vẫn bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với phương tiện hybrid/xe điện, ông Tính kiến nghị hỗ trợ bằng tiền với mức 2.000 - 5.000 USD/xe và hỗ trợ lãi suất vay khoảng 3%-5%/năm cho những nhà đầu tư phương tiện điện, CNG phục vụ vận tải hành khách công cộng; miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số, phí bến bãi, phí cầu đường... không chỉ cho phương tiện vận tải hành khách công cộng mà còn với người dùng ô tô điện để đi lại.
Theo ông Tính, nếu TP HCM vận dụng sáng tạo những chính sách, chủ trương mang tính tiên phong này theo tinh thần Nghị quyết 98/2023 thì sẽ đáp ứng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra, đồng thời giúp ngành giao thông công cộng TP HCM phát triển bền vững.
Định hình kế hoạch
Để phát triển xe điện cá nhân tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái, Trường ĐH GTVT, cho rằng nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng là rất cần thiết.
Ông đề xuất cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện; chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin, xây dựng hệ thống quy chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, đồng thời áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho ô tô và xe máy.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Võ Khánh Hưng thông tin phương tiện giao thông cá nhân ở thành phố rất lớn. TP HCM đang tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân nhưng không có việc cưỡng chế mà thực hiện theo phương thức là phát triển vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt... Sở GTVT đang được TP HCM giao làm đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân, bao gồm 27 chương trình, đề án công trình và phi công trình. Còn về giao thông xanh, UBND TP HCM cũng giao Sở GTVT thực hiện đề án về kiểm soát khí thải.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và đánh giá cao các chia sẻ đầy nhiệt huyết, thiết thực và hữu ích với tinh thần xây dựng của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM sẽ tổng hợp đầy đủ kết quả hội thảo để báo cáo chính thức Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Trong báo cáo sẽ có kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM lãnh đạo UBND TP HCM thực hiện vấn đề phát triển giao thông xanh trong thời gian tới.
Lựa chọn huyện Cần Giờ
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TP HCM có 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô... cùng hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm TP HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong đó ngành công nghiệp khoảng 20 tấn và ngành GTVT 13 tấn.
Đưa ra đề xuất trong hội thảo, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng nên thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông hóa thạch sang phương tiện giao thông sạch tại huyện Cần Giờ.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Phan Thụy Kiều nói lý do chọn Cần Giờ là để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 12 của Thành ủy TP HCM đến năm 2030 xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Ngoài ra, Cần Giờ đang xây dựng Chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh...
Các nhóm giải pháp ưu tiên triển khai thí điểm được nhóm nghiên cứu đề xuất, như hỗ trợ 100% chi phí chuyển đổi xe cho hộ nghèo, 80% hộ cận nghèo; hỗ trợ 100% phí cấp biển số cho tất cả cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi xe. Áp dụng lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện, thu mua phương tiện chạy xăng... là những giải pháp quan trọng tiếp theo.
Bình luận (0)