Ở tuổi ngoài 40, sau gần 20 năm công tác tại các trường mầm non trên địa bàn quận 6, TP HCM, bà Trần Thị Thu Nga cho biết sức khỏe bà đã đi xuống dù vẫn rất yêu nghề. Bà Nga từng là bảo mẫu tại một trường mầm non tư thục sau đó vì thích nghề nuôi dạy trẻ, bà đã học sư phạm mầm non và trở thành giáo viên mầm non từ năm 2015.
Bà Nga rất thích trẻ con nên mới gắn bó với công việc này cho đến nay nhưng đặc thù công việc là phải hát múa, thị phạm, đón đỡ trẻ... buộc phải vận động liên tục nên khá vất vả. Trong khi đó, trách nhiệm và áp lực công việc thì ngày càng cao. Chỉ mới khoảng 20 năm công tác, bà thường xuyên bị đau lưng. Vì vậy, bà Nga cho rằng độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non nên ở tuổi 55 là phù hợp nhất.
"Nếu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 60 tuổi tôi mới được nghỉ hưu, tức 17 năm nữa. Tôi không biết liệu mình có đủ sức khỏe thể tiếp tục công việc hay không?"-bà Nga bày tỏ.
Không chỉ riêng bà Nga, theo kết quả khảo sát của Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2020 cho thấy có tới 96% giáo viên mầm non mong muốn được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi.
Theo Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn luật sư TP HCM), với đặc thù ngành nghề phải vận động liên tục để thị phạm; các ngày cuối tuần không đứng lớp, nhiều khi các cô cũng phải có mặt để làm học cụ, trang trí lớp học… phục vụ công tác giảng dạy, phần việc này cần giáo viên phải tư duy sáng tạo và có sức khỏe.
Trong khi đó, trách nhiệm công việc cao không chỉ cần các kỹ năng dạy trẻ mà còn phải xử lý nhiều tình huống phát sinh, các thao tác này cần sự chính xác để đảm bảo an toàn cho trẻ. Ở độ tuổi 60, sự nhanh nhẹn và sức khỏe đều giảm sút sẽ khó đảm bảo duy trì công việc. "Từ yếu tố điều kiện làm việc, tôi cho rằng đủ cơ sở để xem xét bổ sung giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại để họ được nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn"- bà Lan đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) vừa thực hiện đề tài nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên bậc học mầm non. Khảo sát trên hơn 400 giáo viên mầm non đang công tác cho thấy thời gian làm việc của họ trung bình khoảng 10giờ/ngày, từ 7 giờ sáng mở phòng đón trẻ, làm việc liên tục tới khi rời trường lúc 17 giờ, thậm chí muộn hơn.
Về điều kiện lao động, nghiên cứu chỉ ra có 92,82% đối tượng khảo sát có điều kiện làm việc tương đương với lao động được xếp loại IV nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động). Bên cạnh đó, môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn của trẻ, cao hơn tiêu chuẩn cho phép; mức độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh tương đương điều kiện lao động loại IV.
Trên cơ sở các nghiên cứu, khảo sát, ghi nhận ý kiến từ phía người lao động, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị xếp giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm cơ sở để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với tuổi nghỉ hưu bình thường.
Bình luận (0)