Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 1/TB-VPCP về kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên (GV) mầm non, GV thể chất vào danh mục hoạt động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cơ sở kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nếu được bổ sung vào danh mục, hai nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ.
Không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu
Khảo sát mới đây của Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục TP HCM cho thấy gần 100% GV mầm non đồng tình với đề xuất được nghỉ hưu sớm, chỉ một vài ý kiến đồng ý ở độ tuổi nghỉ hưu là 57.
Giáo viên Trường Mầm non 4, quận 3, TP HCM trong giờ lên lớp. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, GV mầm non là ngành nghề đặc thù. Do áp lực về dân cư tăng, hầu hết các trường tại TP đều vượt chuẩn sĩ số theo quy định, mỗi GV mầm non phụ trách hơn 20 trẻ từ sáng sớm cho đến chiều tối. "Từ việc hát, múa, nhảy, thậm chí phải bò ra để thị phạm cho trẻ, cả ngày liên tục như vậy nên sức khỏe của các GV ngoài độ tuổi 40 đã bắt đầu giảm sút, không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu" - bà Điệp nói. Cùng suy nghĩ, bà Trương Hồng Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú (TP HCM), cũng cho biết qua trao đổi, số đông GV mầm non bày tỏ nguyện vọng được giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu. Bà Huỳnh Lê Diễm Kiều - Hiệu trưởng Trường Mầm non 3, quận 4, TP HCM - cho biết trước đó, khi tổ chức lấy ý kiến khảo sát tăng độ tuổi nghỉ hưu, toàn bộ 20 GV của trường đều không đồng tình. Là cán bộ quản lý trưởng thành từ GV, theo bà Kiều, công việc của GV mầm non rất cực khổ. Độ tuổi mầm non học tập gắn với vui chơi, do vậy các GV phải hoạt động cả ngày. Với những trường không có đội ngũ GV trẻ kế cận thì áp lực càng đè nặng lên GV lớn tuổi. Thực tế này không chỉ khiến chất lượng giáo dục đi xuống mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc, đặc biệt là nhận thức của trẻ.
"Trẻ mầm non rất thích cô giáo trẻ, xinh và như vậy mới có niềm vui đi học. Các con sẽ chẳng vui vẻ gì nếu khi vào trường gặp một cô giáo bằng tuổi bà mình. Nếu GV mầm non không được nghỉ hưu sớm thì không những tội các cô mà tội cả học trò vì không có cảm xúc, niềm vui khi đến trường" - bà Kiều nói.
Nghề đặc thù
Hiện, trên Fanpage của CĐ Việt Nam đang lấy ý kiến về việc "Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị GV mầm non được nghỉ hưu sớm, bạn có ủng hộ đề xuất này không?". Tham gia diễn đàn này, đã có hơn 1.600 lượt like, hơn 850 lượt ý kiến thể hiện quan điểm đồng tình, trong đó nhiều GV trong ngành bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn được Đảng, nhà nước xem xét để GV mầm non được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu ở 55 như trước đây. Mới đây, CĐ Giáo dục Việt Nam tiến hành khảo sát cán bộ quản lý và GV trực tiếp giảng dạy, kết quả: gần 10.700 ý kiến (tỉ lệ 96%) đề nghị nữ GV mầm non và 2.900 ý kiến (93%) đề nghị nữ GV thể chất được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam, cho biết đặc thù lao động nghề nghiệp của GV mầm non khác hẳn so với GV các bậc học khác. Đối tượng của GV mầm non là trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Vì vậy, họ phải hội đủ các tiêu chí về phẩm chất, năng lực và sức khỏe mới có thể đảm trách vai trò chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ. "Thời giờ làm việc của GV mầm non luôn nhiều hơn quy định. Tuổi càng cao thì sức khỏe, độ linh hoạt, nhạy bén của các GV cũng hạn chế nhiều. Họ không thể chạy nhảy, hát múa cho trẻ như những GV trẻ tuổi. Do vậy, nếu quy định tuổi nghỉ hưu ở 60 là không phù hợp" - bà Hợp bày tỏ. Từ thực tế này, CĐ Giáo dục Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ - ngành quan tâm, xem xét, nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, thực chất về đặc thù lao động của GV mầm non để sớm có quy định phù hợp đối với họ.
Bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLLĐ Việt Nam - ủng hộ với kiến nghị này vì cho rằng đây là nghề đặc thù. "Nghề GV mầm non đòi hỏi sự nhanh nhạy, nếu các cô lớn tuổi quá thì không xử lý kịp các vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc và điều này có thể gây nguy hiểm đối với trẻ. Tuy nhiên, để xác định một công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì phải có nghiên cứu khoa học cụ thể" - bà Hằng chia sẻ. Ông Đỗ Trần Hải, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào về điều kiện lao động của GV mầm non (như mức tiêu hao năng lượng, mức độ căng thẳng nghề nghiệp, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi...). Do vậy, để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho đối tượng này thì cần có một kế hoạch dài hơi.
Công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm 5 năm
Theo khoản 2, điều 169 Bộ Luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Khoản 3, điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 nêu rõ: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2, điều 169 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, nếu được đưa vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc thì GV mầm non, GV dạy bộ môn giáo dục thể chất có thể nghỉ hưu trước tuổi đến 5 năm so với quy định.
Bình luận (0)