xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gió qua đồng trống

Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

Thằng bé lúc thúc đi quanh sân, vừa đi vừa xùy xùy đuổi đàn gà chạy tán loạn quanh mấy cái nong lúa đang phơi.

Nhành lá phất phơ trong tay, chốc chốc nó đập xoàn xoạt xuống sân dọa đàn gà rồi vào hiên hí hoáy soạn đồ chơi, bày la liệt trên nền gạch. Gần hai tuổi nhưng đôi chân nó còn yếu, đi lại chưa cứng cáp như những đứa trẻ cùng tuổi trong làng. Suốt ngày, nó ru rú trong nhà, thơ thẩn chơi ở bậc thềm, bậu cửa, gặp hôm nắng nóng, ngồi trong nhà cũng buồn, nó lại ra sân đuổi gà cho bà. Có hôm nó ra vườn đào hang dế. Những con dế mèn béo múp đào được, nó giấu hết vào cái ống bơ, đợi chiều bà về vặt càng nướng trên lửa than cho nó. Có bát dế mèn nướng, nó ra hiên nhẩn nha ăn. Đó là những ngày hạnh phúc nhất với nó.

Sáng sớm khi sương còn chưa tan, bà nó đã ra đồng. Nó ở nhà một mình, ăn bát xôi rồi loay hoay với những trò chơi cũ rích. Đầu tiên, nó lấy mấy cái nắp chai, nắp keng cắc củm nhặt được trong nhiều tháng, dùng sợi dây thép xỏ qua rồi nối lại thành những cái bánh xe; trên đó, nó cắt một miếng bìa làm thùng xe. Vậy là nó tha hồ ra sân chở lúa cho bà, vừa chở nó vừa quệt mũi dãi nhây nhớt vào ống tay áo. Nó chơi, nhưng chốc chốc vẫn nhìn ra ngõ ngóng cái dáng gầy gầy của bà tất tả trở về.

Ánh nắng xiên khoai qua mái hiên, nó lại ra bậu cửa ngóng về con đường cuối cánh đồng. Ánh chiều thêm đậm, mặt đất chìm dần vào màn tối và khoảng trời rộng phía trên lơ lửng những ngôi sao treo cao thấp, là lúc bà nó trở về, lúc này đã nhọ mặt người. Thắp lên ngọn đèn dầu nhấp nhem, bà tất tả vào bếp nhóm lửa bắc niêu cơm nhỏ xíu. Bữa cơm của hai bà cháu dọn ra, quanh năm hầu như chỉ với món mắm cá, mấy đọt rau vườn bà ngắt vào luộc lên. Vậy mà nó ăn ngon lành.

Thi thoảng nó cũng theo bà ra đồng, đó là những ngày đồng vừa gặt xong, rạ rơm vương vãi khắp nơi. Nó ngồi trên bờ mương nhẩn nha ăn nắm xôi bà nó nắm trong mẩu lá chuối, tay cầm một đầu sợi chỉ bà buộc vào chân con châu chấu. Nó vừa chơi với con châu chấu vừa xem bà bó rạ chất thành từng đống cao ngất. Cùng làm với bà còn có các cô trong làng, cô nào mỗi khi nhìn nó cũng chép miệng quay đi vẻ thương cảm. Có cô còn đùa: "Lớn rồi, ở nhà mà chơi, bớt bám bà đi!".

Nó biết, các cô mắng yêu nó thôi, chứ không bám bà, nó biết bám ai? Mỗi sáng mở mắt ra, nó đã thấy bà. Nó xuống bếp cùng bà rồi ra hiên quanh quẩn với đàn gà. Tụi trẻ con trong làng trạc tuổi nó có đứa đã có em, nhà chúng nó đông người nên suốt ngày nghe tiếng í ới gọi nhau. Nhà nó có mỗi hai bà cháu vào ra thui thủi. Những ngày nó ốm đau phải nằm một chỗ, trán nóng như lò lửa, bà lại tất tưởi qua ông thầy lang làng bên cắt thuốc, nó nằm một mình với chiếc khăn ướt đắp trên trán. Bà về, nó ngoan ngoãn ngồi dậy uống hết chỗ thuốc đắng ngắt.

Những ngày mưa tầm tã ở vùng quê hẻo lánh này thật não nề. Dằng dặc. Lê thê. Hai bà cháu ngồi co ro bên bếp lửa, bàn tay gầy đen đúa của bà lại lập cập khâu những chiếc cúc áo cho nó, miệng rì rầm kể chuyện cổ tích "Chị Hằng Nga", "Nàng Kháy", chuyện "Ba cái chuồng trâu"... toàn những câu chuyện cũ rích, bà cứ mang ra kể đi kể lại nhưng nó vẫn thích, cứ há miệng nghe cho đến khi bà đưa cho nó cái trứng gà luộc bảo mang ra hiên mà ăn.

Nó sợ những buổi chiều ở nhà một mình. Chiều nào đứng nơi này, nó cũng nghe tiếng động dội về. Đó là những âm thanh khủng khiếp, nó tưởng như cả bầu trời trên cao kia sắp sập xuống, đè nó bẹp dúm như con gián bên ngạch cửa. Nó lo lắng nhìn lên bầu trời đang cuồn cuộn mây. Lần nào nghe thấy tiếng sấm nó cũng thất thần chạy vào xó nhà, vừa chạy nó vừa ngã dúi dụi vì đôi chân còn yếu. Nó nằm trên chiếc ghế cũ kỹ bao năm, tay bịt chặt hai tai. 

Từ xó nhà, trong ánh sáng nhập nhèm của ngọn lửa bên bếp, nó nghe tiếng mưa rào rào trên mái liên tục dội về. Mưa như gõ trống trên mái, ngoài trời chớp lóe lên, theo sau là tiếng sấm rền vang. Tim nó thắt lại rồi vỡ òa khi nghe tiếng bà gọi nó từ ngoài ngõ. "Cháu bà đâu?" bà vuốt nước mưa trên mặt, quắn quíu tìm nó. Nó mừng, nước mắt trào ra nhưng vẫn ngồi im thin thít cho đến khi bóng bà ào vào ôm chặt nó.

"Mưa giông đấy, sẽ hết ngay thôi!", bà đưa cho nó con châu chấu bằng lá giang rồi ôm nó vào lòng, lưng áo bà ướt sũng, đôi chân vẫn còn nhem nhép bùn đất ngoài đồng. Nó đưa tay cầm con châu chấu, nép vào ngực bà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

* * *

Nó không nhớ nó đã lớn lên như thế nào, chỉ biết tâm hồn của nó tựa như chia làm hai nửa, một nửa ánh sáng và một nửa bóng tối. Khi ở bên bà, giúp bà công việc ruộng vườn, tâm hồn nó là ánh sáng. Khi còn lại một mình, đối diện với bóng đêm, với giấc ngủ, tâm hồn nó phủ đầy bóng tối. Căn buồng nhỏ của nó có ô cửa nhìn ra khoảng đất rộng, âm u. Từ ô cửa này, nó ngửi thấy mùi đồng cỏ, mùi gia súc. Có đôi khi nó còn nhìn thấy nước đọng thành hạt dưới mái hiên và trên những nhánh cây gầy. Căn buồng quanh năm ẩm ướt, tối tăm. Bà nó già yếu rồi nhưng vẫn nhúc nhắc việc đồng áng, nhặt nhạnh từng đọt rau nuôi nó qua ngày.

Nó lớn lên, nghe người làng kể, mẹ nó là một người đàn bà đẹp. Nó ra đời, ba tháng sau mẹ nó đã không còn nữa. Năm sau, cha nó cũng có một người đàn bà khác. Ông gửi nó lại cho bà.

Mỗi khi bà ra đồng, nó lại chui vào thế giới riêng của nó. Ở đó, nó nghe tiếng hú của gió từ ngọn đồi gần nhất, tiếng thú rừng gọi nhau, cả tiếng rền rĩ của con mèo già sắp chết trong cái ổ được lót bằng những manh áo cũ. Nó nghe tiếng gió thổi đơn độc qua vùng đất tối đen.

Năm tháng qua đi, tâm hồn nó vẫn luôn khắc khoải khi những đêm trăng phủ xuống làng mạc, nó nhìn lên ngọn đồi phía sau nhà mường tượng ra gương mặt mẹ cha. Người làng bảo, cha nó đang ở nơi ấy, còn mẹ nó thì đã bị nước cuốn trôi vào một đêm trăng, bên bờ suối đầy những đá tai mèo lởm chởm. Người ta đồn đoán rằng, mẹ tắm suối rồi ma suối dắt đi.

Nhiều đêm thao thức, nó nằm nghe tiếng suối réo từ đồi cao vọng về, nghe tiếng con chim lợn éc lên. Nó dụi đầu vào ngực bà, thỏ thẻ hỏi về mẹ. Bà nó bao giờ cũng chỉ một câu, rằng mẹ là người đàn bà đẹp, giỏi giang và vén khéo. Nó lại hỏi về cha, cha nó ở đâu sao không về. Lần nào bà cũng gạt đi, ôm nó vào lòng, nhè nhẹ vỗ vào cái lưng gầy guộc của nó…

Đến tuổi nó cũng biết ra đồng, phụ bà việc ruộng vườn. Mỗi sáng nó nhìn thấy mặt trời vươn lên thu ngắn lại tất cả những chiếc bóng, hàng đàn chim sáo bay về liệng trên đồng cỏ, vừa hót vừa bay cao lên mãi trong thinh không. Tiếng hót của chúng vẳng xuống từ bầu trời bao la như một trận mưa âm nhạc, khắp trên mặt đất nghiêng ngả những đợt sóng cỏ thì thầm, đàn châu chấu xanh lè nhảy ra búng tanh tách rồi lại biến mất trong bụi cỏ.

Đến tuổi đi học nó cũng đến trường. Đó là những ngày trong trẻo và bừng sáng. Con đường đến trường băng qua một khe suối đầy cỏ hoa. Người bản kể, lần cuối cùng người ta nhìn thấy mẹ ở đó, vào một buổi sớm mù sương. Chiều nào đi học về nó cũng dừng lại, vơ vất nhìn vào bụi cỏ, nhìn lên những tán cây, nó săm soi cả những hòn cuội tròn vo nằm sâu trong khe suối. Nó tưởng tượng chân mẹ nó đã giẫm lên những hòn cuội tròn trĩnh kia, tay mẹ đã chạm vào bụi cỏ ươn ướt kia. Và dưới tán cây rừng, mẹ nó đã ngồi đó và ngước nhìn lên bóng trăng len qua vòm lá…

Thời tiết âm u. Những đám mây mù sà xuống thấp, sát trên đồng cỏ khô. Gió thổi qua làng mạc từng cơn buồn bã, hơi lạnh ẩm ướt và nhớp nháp. Trên đường về, nó cắm cúi nhìn xuống con đường lởm chởm đá tai mèo, nó trộm nghĩ, biết đâu, nơi nào đó còn sót lại dấu chân mẹ. Nó sợ một con thú nào đó chạy ngang qua, hay một chuyến xe ngựa thồ chở hàng đã xóa mờ đi dấu chân mẹ.

Nó cắm cúi đi tìm.

Có lần nó nhìn thấy một dấu chân người in hằn trên con đường lầy bùn sau cơn mưa chiều, những ngón chân tròn trĩnh xinh xinh như những búp hoa dại sau vườn nhà. Nó ngồi thụp xuống khẽ chạm tay vào dấu chân, lòng bỗng trỗi lên một niềm thương rất lạ. Nó ngồi thật lâu… lắng nghe từng tiếng động vụt qua trên đường. Từng chuyến xe đi qua, lướt nhanh trên con đường khúc khuỷu, lổng chổng đá. 

Đó là những chiếc xe máy phành phạch chở lúa và gia súc về làng, những chiếc xe ngựa thồ chở hàng ra chợ huyện, những con thú hoang hiền lành vụt qua, cuối buổi chiều còn có một đàn trâu no cỏ trở về. Chúng cứ xăm xăm đi vào chỗ có dấu chân in. Nó hoảng hốt úp bàn tay vào dấu chân, nó cong người, nằm thụp xuống ôm cả khoảnh đất vào lòng… Nó sợ mất dấu chân, sợ mọi thứ qua đây sẽ xóa nhòa dấu chân mẹ.

Người làng chép miệng nhìn bóng nó đơn độc bên suối, nhẩn nha tìm hình bóng mẹ trong từng hòn cuội, ngọn cỏ, và cả những dấu chân người lướt qua vô tình để lại trên đường.

Nó lớn lên. Và ngày nó không mong đợi lại đã đến, người thân yêu nhất của nó cũng lìa đời. Bà nó nhẹ nhàng lịm đi chỉ sau một tuần bệnh già. Từ rẫy về ruột nóng như lửa đốt, nó linh cảm có điều gì chẳng lành đang đợi. Đến đầu ngõ, chân run run, nó ào vào nhà, gục xuống nấc nghẹn.

Bà nó nằm đó, im lìm, đôi mắt chưa kịp khép lại, có lẽ bà đợi nó về. Nó ngậm ngùi gục vào lòng bà. Yên lặng. Đôi mắt bà chầm chậm khép nhưng đôi môi khô nhàu lại hé một nụ cười. Lạ thay! Nó nghe có tiếng lăn của những giọt nước trong veo đang ứa ra từ những kẽ đá, bên bờ suối đang nở rộ những bông hoa vàng. 

Gió qua đồng trống- Ảnh 4.

Vũ Ngọc Giao

* Tên thật: Nguyễn Thị Ngọc Giao. Sinh năm 1972. Quê quán: Bình Sơn - Quảng Ngãi. Hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

* Đã xuất bản:

- "Búp bê Matryoshka" (Tản văn - Truyện ngắn) NXB Hội Nhà văn 2019.

- "Dòng chảy" (Hồi ký, chấp bút) NXB Hội Nhà văn 2022.

- "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (Tập truyện ngắn) NXB Dân Trí 2023.

- "Miền trăng tối" (Tiểu thuyết) NXB Dân Trí 2023.

- "Vườn sơn tra dưới trăng" (Tập truyện ngắn) NXB Dân Trí 2024.

- "Bến Mù U" (Tiểu thuyết) NXB Dân Trí 2024.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo