xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện

Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Điều nghệ nhân Đặng Văn Trịnh trăn trở là chẳng muốn mình cũng góp vào dấu chấm hết cho một làng nghề, bởi gốm Mỹ Thiện tồn tại đã trên 200 năm

Xuân này, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (ngụ thôn Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bước vào tuổi 61. Ông nói vui: "Người ta bảo tuổi Quý Mẹo vừa khéo vừa khôn, nhưng tui chỉ thấy cả đời phải luôn cố gắng. Có được bát cơm ăn thì càng biết ơn đời, biết ơn người và ngẫm ra một điều là muốn làm được thì phải "nhất nghệ tinh"...".

Quyết trụ lại với nghề

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh tiếp nối nghề gốm của cha ông vào những năm 1980 - thời điểm này nhiều người nói làng nghề Mỹ Thiện đến hồi cáo chung.

Ngày đó, sau khi HTX gốm Mỹ Thiện giải thể, đi từ đầu đến cuối làng chỉ có tiếng thở dài. Bà con đa phần chuyển sang làm "thợ đụng", nghĩa là đụng gì làm đó để kiếm sống.

Một số người xoay được ít vốn thì xuống chợ Châu Ổ tìm sạp để buôn bán nhỏ. Trong 5 hộ cuối cùng (có gia đình ông Trịnh) nhiều đêm thức trắng bàn bạc, hạ quyết tâm trụ lại với nghề. Nhưng rồi, 4 hộ kia cũng đành dứt áo, quay xe, bởi giá đất sét, than củi đốt lò khá cao nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Ông Trịnh cùng vợ tính toán: Nếu cả hai vợ chồng chuyển sang làm "thợ đụng", với sự cần kiệm cũng đủ nuôi 3 đứa con. Nhưng điều ông trăn trở là chẳng bao giờ muốn mình cũng góp vào dấu chấm hết cho một làng nghề. Bởi gốm Mỹ Thiện tồn tại đã trên 200 năm, đủ sức cạnh tranh với những làng nghề gốm ở cả nước.

Ông bà xưa mang khát khao về nghề mà đặt tên đất, tên làng. Riêng họ Đặng, 10 người đã có 9 người sống bằng nghề gốm. Ông nội của ông Trinh là ông Đặng Mậu cũng nhờ làm nghề gốm mà được triều đình Huế phong là cửu phẩm mỹ nghệ.

Ông Trịnh nhớ nhiều về thời ấu thơ. Sau những ngày mưa lạnh, đến tháng chạp trời ấm dần, người làng đổ xô làm chậu hoa để cung ứng trong dịp Tết. Rồi sau Tết, vùng biển Quảng Ngãi vào mùa cá cơm, cá nục thì dân Mỹ Thiện lo làm ui ghè, thạp để bà con muối mắm.

Đến tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, cây hoa gạo nhú nụ khắp núi rừng Tây Nguyên và Quảng Ngãi thì dân làng lại cùng nhau dỡ lò, mang những chiếc ché ngược đường sông, đường bộ chuyển lên bán cho đồng bào các dân tộc ở miền Tây Quảng Ngãi và Kon Tum dùng ủ rượu cần để vui đón Tết truyền thống của dân tộc mình.

Làm ăn khấm khá, nên Tết đến xuân về, nhất là dịp giỗ tổ nghề, người làng tụ hội. Những lúc ấy đường vào làng đèn đuốc sáng trưng. Bà con cùng nhau làm các món và bày lễ vật để cúng thần linh, cúng tổ nghề và cầu mong cho sự làm ăn tấn tới…

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 1.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh bên máy nhồi đất được tỉnh Quảng Ngãi tài trợ thông qua dự án khôi phục phát triển làng nghề

Mong ngày dài hơn

Nhưng nếu không là "dấu chấm hết" thì chỉ còn cách làm lại từ đầu.

Nghiệt nhất là lúc đó túi rỗng. Ngó tới ngó lui căn nhà quá tạm bợ, không thể đem thế chấp vay tiền ngân hàng nên vợ chồng ông Trịnh đánh liều tìm mọi cách xoay xở để mua cho ra vật liệu.

Vốn liếng là quan trọng nhưng cải tiến chất lượng sản phẩm còn quan trọng hơn. Ông Trịnh hiểu thời HTX thiếu kiểm soát nên chất lượng đất sét thu mua không bảo đảm. Muốn khắc phục khâu này thì phải đến một xã khác khá xa mà chọn đất để mua.

Trong khâu tạo hình, thời HTX, chuốt sản phẩm cẩu thả dẫn đến sản phẩm không đẹp, nên sẽ bỏ công nhiều hơn vào khâu sản xuất này. Riêng thời gian nung, thay vì 12 giờ thì phải tăng lên thành 24 giờ để sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt.

"Kể thì chưa đến nửa phút nhưng hồi đó để cải tiến cũng mất nhiều thời gian lắm" - ông Trịnh bộc bạch.

Để bảo đảm chi tiêu thường nhật và trả nợ, vợ chồng ông Trịnh hạ quyết tâm là mỗi tháng phải cho ra lò một mẻ sản phẩm.

Cũng từ đó, từ mờ sáng đến tối mịt, làng xóm luôn thấy vợ chồng ông nhồi đất, tạo hình. Ông mong ngày dài hơn để làm được sản phẩm nhiều hơn.

Tháng 6-2016, ông Đặng Văn Trịnh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian.

Năm 2017, nhà thiết kế Minh Hạnh về Quảng Ngãi theo lời mời của tỉnh để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ. Bà sắp xếp thời gian ghé thăm làng nghề và cảm động về tấm lòng của ông Trịnh đối với tiền nhân. Bà động viên vợ chồng ông cố gắng giữ nghề và gợi ý nên tham gia Festival làng nghề ở Huế được tổ chức cùng năm.

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 2.

Sản phẩm gốm Mỹ Thiện của nghệ nhân Đặng Văn Trịnh trong phòng trưng bày của ông ở thôn Mỹ Thiện

Cơ duyên

Thế là trong kỳ festival năm đó, ông Trịnh vinh dự được Ban Tổ chức Festival làng nghề ở Huế chọn làm một trong 10 cá nhân đại diện cho hàng trăm chủ nhân của các nghề thủ công thắp hương tưởng nhớ tổ nghề.

Cũng năm đó, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương phục hồi làng nghề truyền thống, mở hướng phát triển du lịch. Ông Trịnh vui vì được đón nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư, rồi nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Đăng Vũ đến tham quan nghề gốm. Tất cả đều động viên ông giữ lấy nghề xưa, giữ màu men bí truyền cùng các họa tiết truyền thống, bởi đó là nét đặc trưng, là hồn cốt của làng nghề.

Thông qua dự án phục hồi và phát triển nghề thủ công, ông Trịnh được tỉnh hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để sửa sang khu vực lò, mua sắm máy chuốt sản phẩm, bàn quay, máy nhồi đất, làm phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm.

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 3.

Du khách nước ngoài đến thăm cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh

Cũng từ đó khách Tây, khách ta rồi sinh viên các trường mỹ thuật công nghiệp, học sinh của nhiều trường học khu vực miền Trung đến xưởng gốm của ông Trịnh tham quan. Vợ chồng ông Trịnh càng vui, say sưa giới thiệu về lịch sử nghề gốm, nét độc đáo của làng nghề.

Gốm Mỹ Thiện có nước men tốt, cốt chín nên vừa đẹp lại vừa bền và đặc biệt độc đáo là sản phẩm có màu men hỏa biến. Nghĩa là sản phẩm đưa vào lò nung, chịu tác động của nhiệt, tùy từng chỗ trong lò đã tạo nên màu sắc của mỗi sản phẩm khác nhau như màu xanh ngọc, xanh nước biển, màu gỗ, vàng, đà.

Thế cho nên, mỗi lần dỡ lò là một lần hồi hộp, bởi mỗi sản phẩm là một tiêu bản, không có sự song trùng.

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 4.

Sản phẩm gốm của nghệ nhân Đặng Văn Trịnh

Về mặt tạo hình, trên nền sản phẩm là con chuột - tượng trưng cho sự no đủ, con rồng - tượng trưng cho khát vọng, quyền uy và cành trúc - tượng trưng cho hình bóng quê nhà. "Chuyện tạo hình sản phẩm lạ lắm. Hôm nào mình vui, phấn khởi thì tạo hình sinh động. Vậy nên, để sản phẩm đẹp, có hồn thì phải giữ lòng thật sáng trong" - ông Trịnh bộc bạch.

Ngày xưa, sản phẩm gốm Mỹ Thiện thiên về hàng gia dụng, giờ còn có thêm sản phẩm mỹ nghệ.

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 5.

Đưa tôi đến xem những chiếc lọ nhỏ nhỏ, xinh xinh vừa mới được tạo hình để đưa vào lò nung, ông Trịnh cười nói: "Khi du lịch phát triển, người ở Hội An, Quảng Nam vào đây lấy hàng về chưng bán. Họ hỏi thăm có thể làm những sản phẩm quà tặng được không? Thế là từ yêu cầu của họ, vợ chồng tôi đã làm những chiếc lọ mini để trồng sen đá hoặc để đựng bút nơi bàn viết. Hút hàng lắm!".

Giữ lửa cho gốm Mỹ Thiện- Ảnh 6.

Vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh giới thiệu sản phẩm gốm của mình cho khách hàng

Bây giờ thì sản phẩm gốm của vợ chồng ông Trịnh không chỉ hiện diện ở Quảng Ngãi mà còn được trưng bày, mua bán ở nhiều cửa hàng bán sành sứ ở TP HCM, Hội An và trong nhiều quán cà phê gốm ở TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết nghệ nhân Đặng Văn Trịnh là người "có lửa" nghề và sự sáng tạo. Qua việc ông Trịnh đã làm, nhiều thanh niên nông thôn ở Bình Sơn đã cố gắng vươn lên trong lao động và giữ lấy nghề xưa. Thông qua kết nối với ngành văn hóa và du lịch, nay đã có nhiều tour du lịch tham quan nghề gốm ở Mỹ Thiện. 

Sự nỗ lực của nghệ nhân Đặng Văn Trịnh không chỉ bảo tồn và phát huy nghề gốm Mỹ Thiện mà còn khơi gợi lòng kiên trì, sự sáng tạo cho những bạn trẻ, nhất là thanh niên nông thôn trên đường lập thân, lập nghiệp.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo