Cách đây hơn 3 năm, vì không có người thân hỗ trợ, chị Phùng Diễm Tuyền, công nhân (CN) Công ty TNHH Deahan Motors (KCN Cơ khí ô tô huyện Củ Chi, TP HCM) dằn lòng gửi con ở một nhóm trẻ tư thục. Do chất lượng chăm sóc trẻ ở đây không bảo đảm nên dù 4 tuổi, bé chỉ nói được vài câu đơn giản khiến chị rất lo lắng.
4 người mà ở 3 nơi...
Rất nhiều con CN cũng rơi vào tình trạng tương tự, phổ biến nhất là chậm nói, tự kỷ. Chưa kể, tình trạng bạo hành ở các nhóm trẻ tư thục khiến người lao động (NLĐ) đi làm trong tâm trạng thấp thỏm.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Đề án "Hỗ trợ CN lao động tại các KCX-KCN trong việc chăm sóc và nuôi dạy con" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây ở TP HCM, ông Nguyễn Hữu Nhân, chuyên viên Ban Nữ công - LĐLĐ TP HCM, cho biết CN làm việc tại KCX-KCN thường phải tăng ca đến 18-19 giờ. Song, các trường mầm non công lập lại trả trẻ sớm, không nhận giữ trẻ vào cuối tuần và dịp hè.
Cùng với việc thiếu trường mầm non công lập, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến 85% CN phải gửi con ở các cơ sở tư thục với mức phí cao hơn gấp 5-9 lần. Trong khi đó, lương CN vốn thấp, chỉ 6-12 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền tăng ca. Vì thế, nhiều người phải gửi con ở trường mầm non tư thục hoặc nhóm trẻ tự phát, vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều CN gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, song điều này cũng dẫn tới nhiều hệ lụy.
Kết quả khảo sát của Ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 10 tỉnh, thành cho thấy 40% lao động nữ di cư có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và gần 30% lao động nữ có con ở các cấp học phổ thông phải gửi trẻ về quê cho người thân nuôi dạy, chăm sóc.
Trong mối quan hệ với con, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn do gửi trẻ về quê, không thể gần gũi, chăm sóc và nuôi dạy. Xa cha mẹ, trẻ khó tiếp cận các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, giải trí… Trong khi đó, nếu trẻ được sống gần cha mẹ thì điều kiện cũng không khá hơn do phải ở trọ trong những căn phòng chật hẹp, thiếu ánh sáng.
Mỗi khi nhắc đến con, chị Trần Thị Kim Viễn - CN tại KCN Tân Tạo, TP HCM - lại rơm rớm nước mắt. Do công việc không ổn định nên chị phải gửi con lớn 7 tuổi cho ông bà nội ở Sóc Trăng, còn đứa nhỏ 3 tuổi thì gửi ông bà ngoại ở Bình Định. Đến nay, 2 bé vẫn chưa được gặp nhau. Tết đến, anh chị cũng chia nhau về quê thăm con.
"Ông bà nội, ngoại đều già, không thể cùng lúc chăm 2 trẻ. Vậy nên, gia đình tôi 4 người nhưng ở 3 nơi, dù gọi điện nói chuyện hằng ngày nhưng không được gần gũi. Chúng tôi chỉ mong các con ngoan ngoãn và thông cảm cho cha mẹ" - chị Viễn thở dài.
Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Làm sao để giúp CN giải tỏa được nỗi lo trong việc nuôi dạy con là vấn đề được rất nhiều cán bộ Công đoàn quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - cho rằng để giải quyết bài toán thiếu nhà trẻ chất lượng cho con CN tại KCX-KCN, cần tháo gỡ khó khăn về quỹ đất và các vướng mắc về thủ tục, quy định vận hành nhà trẻ do doanh nghiệp (DN) tự xây dựng. Theo bà, các quy định hiện hành không đủ khích lệ DN đầu tư xây dựng nhà trẻ. Đó là DN bỏ chi phí xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ học phí cho con CN nhưng bộ máy vận hành không do họ quản lý.
Bà Tuyết dẫn chứng 1 nhà trẻ cho con CN do DN xây dựng tại KCN Biên Hòa. DN này rất khó khăn mới được cấp phép xây dựng nhà trẻ. Họ sẵn sàng chi hàng triệu USD xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ 2/3 học phí cho hàng trăm con CN theo học, song lại không được tham gia quản lý, vận hành. Điều này khiến DN không mặn mà xây dựng, nâng cấp trường lớp.
Đại diện LĐLĐ TP HCM kiến nghị rà soát lại quy hoạch phát triển KCX-KCN; bổ sung hạng mục công trình thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống NLĐ, trong đó có xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo. Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách ưu đãi, chăm lo cho giáo viên mầm non ngoài công lập như BHYT, BHXH, tiền lương để thu hút họ, bởi đây là công việc vất vả, thời gian làm việc kéo dài và áp lực cao.
"Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định hỗ trợ con CN đang làm việc tại KCX-KCN 160.000 đồng/tháng, song việc thực hiện thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chậm trễ. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định để nghị định này đi vào thực tiễn, góp phần giúp CN giảm chi phí nuôi dạy con" - đại diện LĐLĐ TP nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, nhìn nhận nhà ở mới là yếu tố quan trọng nhất giúp NLĐ ổn định cuộc sống và chăm sóc con tốt hơn. NLĐ di cư thường không làm việc cố định một nơi lâu dài, họ rất khó đưa con đến ở trọ cùng với mình.
"Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tích cực làm việc với chính quyền địa phương để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho CN, cùng với các thiết chế Công đoàn, gắn với xây dựng nhà trẻ, khu vui chơi cho con CN" - bà Quyên đề xuất.
Hỗ trợ công nhân thiết thực hơn
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có 431 KCN, tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu NLĐ. Đa số họ là CN trẻ ngoại tỉnh, mức sống thấp, thiếu điều kiện chăm sóc con.
Do vậy, ngoài các hoạt động chăm lo sẵn có, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng Đề án "Hỗ trợ CN - lao động tại các KCX-KCN trong việc chăm sóc và nuôi dạy con" với nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, chăm lo thiết thực hơn; đồng hành hỗ trợ chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, ổn định trường lớp cho con CN; tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ CN, con CN tại KCX-KCN và giám sát việc thực hiện…
Bình luận (0)