Để tháo gỡ khó khăn, tháng 3-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/2023 với nhiều giải pháp, sau thời gian áp dụng đã phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm khiến nhiều dự án BĐS bị ách tắc. Từ thực tiễn một số địa phương, tôi nhận thấy có một số nguyên nhân sau:
Một là có tình trạng chính quyền địa phương ở một số tỉnh, thành ban hành các văn bản hạn chế quyền thực hiện các giao dịch về BĐS của người dân chưa đúng luật trong khi Luật Đất đai không đặt ra bất cứ hạn chế nào đối với việc này.
Hai là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp, giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ diễn ra thường xuyên và kéo dài nhiều năm. Việc này, một lãnh đạo TP HCM cũng nhìn nhận: "Công tác phối hợp công việc giữa các sở ngành, giữa sở và quận, huyện còn chậm trễ, lòng vòng, mất cơ hội cho người dân, doanh nghiệp".
Ba là việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc. Thời gian qua, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn khi giải quyết thủ tục hành chính về BĐS, từ đó dẫn tới tình trạng "né tránh, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm".
Bốn là người dân vẫn còn nhiều e ngại về diễn biến thị trường BĐS nên không mạnh tay xuống vốn để đầu tư, thực hiện các giao dịch về BĐS.
Để tháo gỡ các khó khăn tồn đọng nêu trên, gỡ khó cho thị trường BĐS, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thời gian gần đây với những giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát các khuôn khổ pháp lý liên quan đến BĐS xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu để có phương án xử lý dứt điểm; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Thứ hai, tăng cường khả năng huy động vốn qua cơ chế thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS. Cụ thể là tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn triển khai dự án, từ đó tạo niềm tin để người dân, nhà đầu tư xuống vốn. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần cơ cấu lại giá, có các chương trình khuyến mại để kích cầu.
Thứ ba, lập tổ công tác tập trung rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các cá nhân, cơ quan chậm trễ, "ngâm hồ sơ", cố tình kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính về BĐS.
Để vực dậy thị trường BĐS, bên cạnh các giải pháp, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần "dám nghĩ, dám làm".
Bình luận (0)