Nói thế không phải DN đã sắp xếp được vốn mà trái lại, họ vẫn đang thiếu. Có điều họ biết đây là vấn đề tự mình phải vượt qua chứ không thể mãi trông đợi từ nhà nước.
Xét trong bối cảnh 5 năm nay, đây là lúc nền kinh tế và DN gặp khó khăn về vốn nhiều nhất. Tuy nhiên, khó khăn về vốn là vấn đề không mới bởi nó được xem như thuộc tính của nền kinh tế toàn cầu, có tính chu kỳ với tần suất 5 - 10 năm. Tại Việt Nam, nền kinh tế và DN từng gặp tình trạng này, mà cao điểm là giai đoạn 2011 - 2012 với lãi suất cho vay lên đến 20% - 22%/năm. Điều đó cho thấy vấn đề quản trị và xử lý rủi ro tài chính là nhiệm vụ chính của DN, phải thực hiện đúng mức và đúng cách.
Hiện nay, khi gặp khó khăn về vốn là DN nghĩ đến nguồn huy động mới từ NH, phát hành trái phiếu Chính phủ và mong chờ các gói hỗ trợ của nhà nước. Có điều những DN đã vay đủ hạn mức khó nhận thêm vốn của NH; trong khi nguồn hỗ trợ từ Chính phủ thì cần thời gian và không phải đối tượng nào cũng được. Còn đối với trái phiếu DN, trong bối cảnh hiện nay, nhiều công ty niêm yết trên sàn cũng khó phát hành khi nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân đều hạn chế.
Nói thế để thấy trong bối cảnh cạn kiệt tài chính, DN cần chủ động hơn, áp dụng linh hoạt phương cách huy động vốn.
Cách huy động vốn và xử lý khó khăn tài chính của các DN không giống nhau, căn cứ trên tính chất công ty và tình trạng cần vốn. Có thể chia thành 3 loại DN cần vốn theo tình hình tài chính gồm: DN đang gặp nguy cơ phá sản, DN đang khó khăn và DN có thể gặp khó khăn. Đối với tính chất DN thì có DN niêm yết trên sàn, DN cổ phần đại chúng quy mô lớn, DN quy mô nhỏ và vừa (SME).
Tựu trung, có 9 dạng cơ bản với các phương thức huy động vốn và xử lý khác nhau. Các DN niêm yết có nhiều phương án nhất - từ nguồn vốn NH, cổ đông, đối tác cho đến phát hành trái phiếu. Còn SME thì rất ít phương thức xử lý, khi lâm vào giai đoạn khó khăn tài chính thì dễ bị phá sản nếu không xử lý quyết liệt.
Với những DN đối diện tình trạng suy kiệt tài chính, cạn kiệt dòng tiền hoạt động thì để vượt qua giai đoạn này, không còn cách nào khác phải tự cứu mình bằng việc thắt chặt chi tiêu để giảm nhu cầu vốn; bán bớt tài sản để có thêm nguồn vốn hoạt động và đàm phán với các chủ nợ để có hướng xử lý giãn nợ.
Ba giải pháp nêu trên khá đơn giản, nếu lãnh đạo DN thực hiện với sự tập trung và dứt khoát thì khả năng vượt qua khó khăn rất lớn, hơn là cứ thụ động trông chờ nới room tín dụng hay các gói hỗ trợ của nhà nước.
Bình luận (0)