Chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề "Câu chuyện doanh nhân - Những cánh chim không mỏi" do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) tổ chức ngày 1-10.
Nỗ lực phục hồi
Nhìn lại một năm nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh kể từ khi TP HCM chính thức nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa phục hồi kinh tế (tháng 10-2021), các "cánh chim đầu đàn" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại TP HCM cho biết thành phố đã có những quyết sách kịp thời mở cửa thị trường cho DN hoạt động. Kinh tế dần phục hồi tốt, doanh nhân cũng đón nhận các cơ hội mới để định hình DN mình vững chãi hơn.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc King Coffee, cho biết trong COVID-19, King Coffee đã sáng tạo, vận hành những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn. Khi thị trường mở cửa trở lại, công ty tiếp tục triển khai những mô hình giúp đội ngũ có thể bán hàng bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Chiến lược này được hiện thực hóa bằng việc tham gia giới thiệu sản phẩm King Coffee tại Triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai kéo dài từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022 (triển lãm bị hoãn 1 năm do đại dịch COVID-19). Tại sự kiện quốc tế quy tụ 192 quốc gia và vùng lãnh thổ này, King Coffee đã kết nối bán cà phê vào hơn 120 thị trường.
Cũng nói về giải pháp phát triển thị trường, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc Kido, nêu thực tế các doanh nhân trẻ hiện tại có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm, chưa có chiều sâu. Thời gian qua, Kido đã đồng hành với nhiều start-up, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn, định hướng cho họ phát triển. "Chúng ta phải làm những sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường chứ không phải những sản phẩm mình sẵn có vì như vậy rủi ro rất cao" - ông Nguyên bày tỏ.
Ông Trần Lệ Nguyên nêu dẫn chứng tập đoàn này mua lại Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex), trong vòng 1 năm phát triển doanh thu công ty lên gấp nhiều lần và tăng liên tục đến nay. Hay với mảng kem, khi mới tiếp nhận từ Unilever có giá trị 1 triệu USD, sau 18 năm vận hành, xây dựng đã nâng tổng giá trị lên 400 triệu USD.
Các doanh nhân khách mời trao đổi tại chương trình Cà phê doanh nhân ngày 1-10
Tự tin, linh hoạt ứng phó
Trao đổi tại chương trình, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết tình hình kinh tế thế giới khó lường, khó khăn chồng chất. "Hôm 12-9, tôi có họp với Thủ tướng Chính phủ về giải pháp ứng phó. Tôi đề xuất tình hình thế này thì phải dĩ bất biến ứng vạn biến. Phải giữ chỉ số ổn định vĩ mô để ứng phó với biến động thị trường" - TS Trần Du Lịch thông tin. Ông nói thêm, năm 2023 được dự báo là mùa đông của nền kinh tế. DN Việt có 2 đặc điểm mà thế giới không có, đó là tinh thần lạc quan và tính linh hoạt. Nếu phải dĩ bất biến, ứng vạn biến, vậy với DN cái gì là bất biến để ứng vạn biến?
Trả lời câu hỏi này, các doanh nhân cho rằng cái bất biến là tinh thần, ý chí doanh nhân. Thứ hai là phải áp dụng công nghệ. "Kinh nghiệm Grab, Uber đưa công nghệ và ứng dụng gọi xe, cạnh tranh mạnh mẽ với taxi truyền thống. Đến giờ, Mai Linh và Vinasun có khởi động thì cũng đã quá chậm" - ông Trần Lệ Nguyên dẫn chứng.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), lưu ý đã qua thời "ăn xổi", DN cần hình thành chuỗi liên kết, sản phẩm của DN này là đầu vào của DN kia. Bài toán của mỗi DN là cần uyển chuyển chọn mô hình kinh doanh phù hợp với năng lực của mình. "Mỗi doanh nhân đừng nghĩ DN mình nhỏ hay lớn mà là phải cạnh tranh và chỉ có cạnh tranh mới tạo động lực phát triển" - ông Thành nhắc nhở.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng DN phải luôn chuẩn bị tâm thế sống chung với mọi biến động, nâng cao nội lực và khả năng quản trị, ứng biến với sự thay đổi của thị trường. Ngoài ra, DN cần đặc biệt chú trọng đến pháp lý trong kinh doanh bởi khi không chú ý đến pháp lý thì rất dễ gặp rủi ro.
Bình luận (0)