Nguyên nhân cụ thể của vụ sập nhà đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nhưng một thực tế dễ nhận thấy là rất nhiều ngôi nhà ở khu vực này đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân rất khó sửa chữa và không thể xây mới bởi khu vực này đã được quy hoạch làm khu đô thị. Oái ăm là quy hoạch này đã được thực hiện cách đây 31 năm. Qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi nhà đầu tư, đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng. Với thời gian kéo dài như thế, để bảo đảm an toàn cho từng căn nhà là điều nan giải và trong điều kiện kinh tế eo hẹp thì người dân đành phải mạo hiểm sống trong căn nhà xuống cấp.
Bán đảo Thanh Đa có địa hình đặc thù là sông Sài Gòn bao quanh. Dòng chảy sông này thường xuyên gây xói mòn vòng ngoài của bán đảo, gây ra những vụ sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền thành phố đã nhiều lần cảnh báo với người dân và thực tế đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Gần nhất là cuối tháng 6-2023, một vụ sụt lún kéo dài hơn 100 m dọc bờ kè gần cầu Kinh. Hàng chục gia đình gấp rút di dời vì nhà cửa bị hư hỏng nặng có thể bị đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Ngay trong tháng 8 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng, UBND TP HCM đã đồng ý phương án chi 90 tỉ đồng để xây dựng bờ kè ở khu vực này.
Với địa hình phức tạp như bán đảo Thanh Đa, việc xây kè như trên chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn giữ an toàn cho bán đảo này phải chấm dứt quy hoạch treo, khởi động các dự án đô thị thành phần và đầu tư bờ kè kiên cố toàn tuyến. Các chuyên gia về quy hoạch đô thị gần đây thường nhắc đến Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM với kỳ vọng sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề trong đó có vấn đề quan trọng là tháo gỡ những dự án lớn, giải phóng nguồn lực về đất đai và nâng mức sống của người dân. Bán đảo Thanh Đa và nhiều khu quy hoạch treo khác như Khu đô thị Tây Bắc (thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi), Sài Gòn Safari (Củ Chi)… là những khối tài nguyên đầy hấp dẫn. Nó chỉ sinh lợi khi được đầu tư xứng tầm, nhanh chóng để đóng góp vào ích lợi chung của TP. Quan trọng hơn, từ mục tiêu này sẽ giải quyết những khó khăn của người dân trong vùng quy hoạch, cải thiện đời sống của họ và gián tiếp thúc đẩy quá trình phát triển chung của khu vực. Thực tế cho thấy khi quyết tâm thực hiện các dự án tốt sẽ luôn được người dân ủng hộ và mang lại hiệu quả cao. Điển hình nhất là dự án đường Vành đai 3 được khởi động trong một thời gian ngắn đã gần hoàn thiện công tác bàn giao mặt bằng; đến tháng 6-2023 đã khởi công một số đoạn.
Mục tiêu lớn nhất của các chính sách kinh tế - xã hội được đặt ra trong thời gian qua chính là lấy người dân làm trung tâm. Phân tích chi tiết từng chính sách chính là phục vụ cho nhu cầu chính đáng vì sự phát triển của đời sống người dân, bảo đảm an toàn và thực thi tốt các mục tiêu an sinh. Mục tiêu này luôn được đặt lên trên hết và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Bình luận (0)