Chúng tôi chỉ mong có việc làm bởi suốt 2 năm qua hầu như chúng tôi thất nghiệp. Nằm nhà trong bối cảnh giãn cách xã hội, mong chờ dịch qua đi, nhớ công việc đã đành mà thu nhập cũng giảm sút, đời sống cực kỳ khó khăn"...
Nhóm bạn trẻ hướng dẫn viên của một công ty du lịch tại TP HCM đã nói như vậy với chúng tôi khi những ngày cuối năm đang đến, sắp khép lại một năm 2021 với nhiều sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của họ về việc làm, đời sống, cùng những lo toan, chống chọi với dịch bệnh. Họ cùng công ty vượt qua, trụ lại trên thương trường đầy khó khăn, có lúc tưởng không gượng dậy nổi, nhất là khi vừa tái khởi động một số chương trình, tour tuyến thì đợt dịch thứ 4 kéo đến, tất cả... trở về không, rồi gần đây gượng dậy, làm lại từ đầu...
Bây giờ, mong mỏi lớn nhất của tập thể lao động là có việc làm, có thu nhập để lo toan cho cuộc sống bản thân và gia đình. Thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ không được như những năm trước khi có dịch Covid-19, mà chỉ khoản lì xì tượng trưng để lấy không khí làm việc cho ngày đầu năm mới mà thôi.
Năm nay, một số ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch vẫn có thưởng cho người lao động dịp Tết nhưng mức thưởng không cao hơn trước bao nhiêu. Điều đáng chú ý là tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" đã không còn. Nơi nào có thưởng thì mừng, nơi không có thưởng thì buồn - dĩ nhiên - nhưng nỗi buồn không mang cảm giác chua chát vì nghĩ đến sự không công bằng hay chút tủi thân vì không "bằng chị bằng em". Cái Tết sắp tới có thể không sung túc như những năm trước với nhiều người nhưng vẫn ấm áp trong sự lo toan, biết nghĩ về nhau, mong và mừng cho nhau nhiều hơn là so đo về khoản thưởng cuối năm.
Những doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản..., công việc năm qua cũng không suôn sẻ nhưng hầu hết đều nỗ lực hồi phục và có đơn hàng, duy trì việc làm từ không thường xuyên hoặc phải "3 tại chỗ" đến trở lại thường xuyên và tập trung làm việc tại nhà máy trong điều kiện bình thường mới. Nhiều nơi thực sự khó khăn về tài chính, song ban giám đốc vẫn tỏ rõ thiện chí bằng cách xoay xở, vay mượn để người lao động có khoản thưởng Tết mà cả hai bên đều chấp nhận được.
Bức tranh thưởng Tết xưa nay vốn đa sắc màu, có những mảng tươi tắn, rực rỡ đan xen những mảng xám. Nhìn lên miền núi cao, những vùng sâu, vùng xa, đời sống bao giáo viên cắm bản quá nhiều gian khó. Họ hy sinh tuổi trẻ, sống thiếu thốn bộn bề để bao thế hệ học sinh có tương lai tốt đẹp hơn. Ở các thành thị, đại dịch khiến bao trường mầm non đóng cửa, các cô giáo thất nghiệp, lại không thể tìm việc làm vì giãn cách xã hội. Những giáo viên đó rất ít khi kêu ca về những nỗi nhọc nhằn. Thưởng Tết với họ là chuyện xa xôi, có khi chỉ là vài cân đường, dăm hộp sữa, vài trăm ngàn đồng...
Nên cái Tết cũng là để nhìn lại mình, nhìn lại nhau. Tự đáy lòng, chúc cho đất nước đi qua đại dịch, người dân có cuộc sống an lành, kinh tế - xã hội sẽ hồi phục. Tết trong lòng mỗi người, trong tâm thế ấy, sẽ mang ý nghĩa tốt đẹp hơn nhiều.
Bình luận (0)