Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, có hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề từ mất việc làm, chiếm hơn 8% tổng lao động xã hội. Các chuyên gia lao động cho rằng đến giờ này các doanh nghiệp (DN) mới bắt đầu ngấm hậu quả của đại dịch. Còn người lao động (NLĐ) thì những tháng qua đã hết sức lao đao, chật vật với kinh tế gia đình.
Ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ cho người dân, NLĐ và DN vượt qua khó khăn trong đại dịch. Các gói hỗ trợ đã phát huy tác dụng nhất định, giúp cho nhiều người qua những ngày vất vả nhất vì giãn cách xã hội, mất việc làm. Tuy nhiên, do những quy định về thủ tục còn bất cập, còn có tình trạng DN ngại phải công khai các số liệu tài chính nên DN không làm hồ sơ, không tiếp nhận các khoản hỗ trợ. Từ đó, DN phải bươn chải, xoay trở để tồn tại. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cho một bộ phận NLĐ nghỉ việc ngắn hạn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động...
Buộc phải rời nhà máy, nhiều NLĐ hụt hẫng. Tìm việc khác không dễ, khi hầu như nơi nào cũng giảm lao động. Nơi có nhu cầu thì đòi hỏi tay nghề kỹ thuật, nên những người thiếu bằng cấp, kỹ năng chuyên môn không thể tìm việc làm mới. Nhiều công nhân rời nhà máy phải xoay trở bằng cách làm các công việc của lao động tự do, gia nhập lực lượng lao động phi chính thức bằng buôn bán vặt, chạy xe ôm đắp đổi qua ngày.
Để đưa lực lượng này trở lại thị trường lao động, phải tùy theo diễn biến của dịch Covid-19 và sức khỏe nền kinh tế, sự hồi phục của các DN. Bên cạnh các gói hỗ trợ, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ nhằm nâng cao tay nghề; chuyển đổi việc làm để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động...
Theo khuyến nghị của ILO và ADB, các quốc gia trong khu vực cần tập trung vào các chính sách toàn diện về thị trường lao động bao gồm trợ cấp tiền lương, chương trình việc làm khu vực công và giảm thiểu các tác động đối với các sinh viên trẻ tuổi do gián đoạn quá trình học tập của họ. Những chính sách này thực thi hiệu quả sẽ góp phần giúp lao động trẻ giảm bớt những sang chấn tâm lý do khủng hoảng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh tình hình chung, mỗi quốc gia có hoàn cảnh, đặc thù riêng biệt. Những chính sách nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp cho chúng ta thực hiện được mục tiêu kép trong thời gian qua, vừa dồn sức chống dịch vừa duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Chúng ta có quyền hy vọng về sự hồi phục sau những nỗ lực trụ lại của DN cùng sự năng động trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô. Từ đó thị trường lao động trở lại khởi sắc, chất lượng lao động được nâng lên sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Bình luận (0)