Doanh nghiệp duy trì sản xuất đã gặp khó, lại thêm bị nghẽn đầu vào nguyên liệu, tắc đầu ra tiêu thụ hàng hóa. Nông sản của nông dân, hợp tác xã bị ứ đọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân và gặp khó trong chuẩn bị cho mùa vụ sau.
Nay bản đồ Covid-19 ở TP HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang chuyển màu tích cực từ đỏ, cam, vàng sang màu xanh, tiếp cận với trạng thái bình thường mới trên diện rộng. Số ca nhiễm mới giảm, thấp hơn nhiều so với số ca được chữa khỏi, đặc biệt là số ca tử vong giảm mạnh.
Cơ chế lây lan dịch bệnh cũng không đi theo hay dừng lại ở địa giới hành chính của một tỉnh, một huyện hay một xã, nên việc chống dịch, mở cửa kinh tế của địa phương cũng không thể "mạnh ai nấy lo" mà phải bảo đảm kết nối liên vùng. Từng địa phương cần có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, nhưng phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chỉ huy thống nhất dựa trên các nguyên tắc cốt lõi để tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở lợi ích chung.
Việc TP HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố áp dụng cơ chế, biện pháp đặc thù để kiểm soát dịch bệnh cũng như chủ động mở cửa kinh tế từ ngày 1-10 là cần thiết. TP HCM mở cửa an toàn thì các tỉnh mới an toàn. Nhưng TP HCM còn là trung tâm kinh tế cả nước, điểm kết nối 2 vùng kinh tế năng động nhất là miền Đông, miền Tây Nam Bộ, chính là "bản lề" cho kế hoạch mở cửa và kết nối liên vùng. Do đó, Bộ Y tế nên rà soát thực tiễn, nghiên cứu xem xét lại các tiêu chí phòng chống dịch để tạo điều kiện cho các địa phương chuyển trạng thái. Tương ứng là tiêu chí xác định vùng đỏ, cam, vàng, xanh cho phù hợp. Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng + 5K + 5T theo lộ trình mở cửa.
Việc mở cửa kinh tế là phải làm và làm thế nào để đạt hiệu quả. Cơ sở để triển khai là Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe chống dịch. Phải tiếp cận vùng, liên thông; nếu cứ tự quy định riêng làm khác yêu cầu chung như vừa qua thì toàn vùng, liên vùng bị ảnh hưởng. Muốn bảo đảm chặt chẽ thì cấp trên phải kiểm tra cấp dưới để chấn chỉnh những việc làm sai.
Khi TP HCM mở cửa kinh tế trở lại, thách thức lớn nhất là thiếu lao động. Các doanh nghiệp sử dụng 2/3 lao động ngoại tỉnh, trong khi vừa qua hàng triệu người đã về quê tránh dịch. Số lao động còn lại tại TP HCM cũng khó tránh khỏi lo ngại dịch bệnh quay trở lại. Giải quyết lao động cho sản xuất của TP HCM và các tỉnh miền Đông tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh rất cần sự phối hợp liên vùng.
Các cấp lãnh đạo cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm", bởi tâm lý này càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Cần chuẩn bị các kịch bản theo từng cấp độ khác nhau của tình hình diễn biến dịch bệnh và cường độ hoạt động kinh tế sẽ diễn ra khi quyết định mở cửa, chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
Bình luận (0)