Đại công trình thủy lợi này có nhiệm vụ chủ động kiểm soát nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hỗ trợ sinh kế và sinh hoạt dân cư vùng dự án rộng hơn 384.000 ha thuộc nhiều địa phương ĐBSCL. Hệ thống này kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, giảm ngập úng, thiệt hại do hạn hán; ngăn mặn, trữ ngọt và kết nối với các công trình hạ tầng giao thông thủy, bộ.
ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông - biển. Việc các nước đầu nguồn xây đập thủy điện, "trích" dòng Mê Kông bằng các dự án chuyển nước cùng tác hại của đê bao cục bộ trong vùng và nạn khai thác cát, nước ngầm mất kiểm soát càng làm cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Quy luật lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL cũng đang thay đổi thất thường. Các giải pháp ứng phó đòi hỏi cần phải chủ động thích ứng tốt hơn trước tình trạng hạn, mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn.
Nghị quyết 120/2017 của Chính phủ về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng... Đó là tư duy đột phá, thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được ban hành cũng theo định hướng đó.
Việc đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé chính là sự cụ thể hóa tư duy phát triển vùng ĐBSCL chủ động thích ứng. Tuy nhiên, bất kỳ công trình nào dù hiện đại tới đâu, với sự tác động của con người vào tự nhiên, nhất là hệ sinh thái nước "mặn, ngọt, lợ" mẫn cảm như vùng ĐBSCL, thì bên cạnh cái lợi luôn có một số tác hại nhất định. Vấn đề là phải giảm thiểu "chi phí cơ hội" không mong muốn đó. Vì vậy, bên cạnh việc vui mừng khi một dự án thủy lợi lớn, nhiều ý nghĩa được khánh thành, cần quan tâm những vấn đề quan trọng để tạo ra sức sống của công trình này.
Tư duy chủ động thích ứng phải trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt chỉ huy mọi hành động. Những giải pháp từ công trình thủy lợi là rất cần để chủ động thích ứng, song các giải pháp phi công trình cũng không thể thiếu để phát triển lâu dài, bền vững và nâng cao hiệu quả tổng hợp.
Là "cửa thủy" lớn nhất biển Tây Nam, dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phải bảo đảm không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại. Cần bảo đảm nguyên tắc vận hành hệ thống thủy lợi, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu. Việc vận hành không để bị chia cắt theo địa giới hành chính tỉnh, huyện; không để xảy ra tranh chấp về nguồn nước, xung đột lợi ích địa phương.
Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xem xét các tác động tích cực lẫn tiêu cực của công trình để có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện quy trình vận hành sau 2 năm thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cũng như các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi khác có tác động liên tỉnh, các tiểu vùng và liên vùng cần được xem là nội dung của hoạt động điều phối vùng.
Bình luận (0)