Chúng ta đã rất vất vả khi đưa nông sản sang các thị trường khác trong thời gian qua. Từ đây nông dân cũng càng vất vả khi nhìn sản phẩm mình làm ra khô héo trên đồng. Những khó khăn này đã được dự báo và diễn ra nhiều lần. Vấn đề là chúng ta chưa có đủ chiến lược để hiện đại hóa ngành nông nghiệp và tạo sức mạnh thương mại đủ lớn để có thể tham gia các thị trường quốc tế.
Mật ong Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất - Ảnh minh họa: NGỌC ÁNH
Trở lại câu chuyện xuất khẩu mật ong, từ tháng 5-2021, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định điều tra về việc chống bán phá giá với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam, Brazil, Ukraine, Argentina và Ấn Độ. Bộ Công Thương Việt Nam đã triển khai việc ứng phó đến các cơ quan liên quan và doanh nghiệp. Nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm biện pháp tháo gỡ nhưng không thay đổi được kết quả. Dù sản phẩm mật ong của Việt Nam không cạnh tranh quá lớn với ngành mật ong của Mỹ, bởi chúng ta sản xuất 4 mùa, còn họ vì điều kiện khí hậu, chỉ sản xuất 3 tháng nhưng sự bảo hộ của họ quá mạnh nên chúng ta gặp bất lợi.
Trước tình hình này, Bộ Ngoại giao cũng đã lên tiếng, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển tích cực, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng hài hòa lợi ích và bền vững. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang tiến hành trao đổi với phía Mỹ để giải quyết vụ việc, đề nghị các biện pháp của phía Mỹ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam.
Tham gia thị trường toàn cầu chúng ta phải chấp nhận luật chơi, nhiều khi vô lý được áp đặt bởi những nước khác. Hơn 95% mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nên khi thị trường này bị ngăn chặn, chúng ta hoàn toàn bị động. Tương tự, trái cây của chúng ta cũng phụ thuộc phần lớn thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc. Khi thị trường này bất ổn, nông dân liền lao đao.
Không còn cách nào khác, chúng ta phải chủ động hiện đại hóa ngành nông nghiệp để giảm rủi ro và tạo được thế mạnh cho riêng mình. Tại buổi họp báo vào giữa tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, chiến lược ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5% - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5% - 6%/năm, mở rộng và phát triển thị trường. Ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nông dân có thể được ví như những chú ong: cần mẫn, thông minh tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Những chú ong này cần được định hướng và tạo điều kiện tối đa để những giọt mật được đánh giá đúng phẩm chất và mang lại giá trị tương xứng mà không bị bất cứ sự cản ngại vô lý nào.
Bình luận (0)