Tầm quan trọng của con đường này quá lớn nên cũng dễ hiểu khi nó được TP HCM cùng các tỉnh liên quan gấp rút lên kế hoạch thực hiện. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vài ngày trước, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu rõ từ 20 năm qua và nhất là gần đây, TP HCM và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối mặt với những điểm nghẽn như ách tắc giao thông, dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển. Đường Vành đai 3 TP HCM sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá con đường này là lời giải cho bài toán phát triển không gian đô thị phía Nam mà bấy lâu nay chúng ta chưa thực hiện tốt. Từ đường Vành đai 3 TP HCM có thể đúc kết kinh nghiệm phát triển giao thông - đô thị chung toàn vùng không chỉ là TP HCM - Long An, Bình Dương, Đồng Nai mà còn vươn tới vùng đất trù phú miền Tây, nối dài ra miền Trung với kinh tế biển.
Là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có đóng góp cho ngân sách lớn nhất, tốc độ phát triển nhanh nhất, thử nghiệm những mô hình phát triển kinh tế mới nhất... nên những chính sách vĩ mô thực hiện ở khu vực này luôn được đúc kết để nhân rộng ra các vùng khác. Cũng phải thừa nhận khu vực này "say mê" phát triển đô thị mà để lỡ nhịp, phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Lẽ ra giao thông phải đi trước và tạo thành mạng lưới huyết mạch cho quy hoạch toàn vùng. Làm càng muộn thì chi phí càng cao, không gian phát triển càng bí bách và nó cũng kéo chậm sự phát triển chung.
Bây giờ mọi việc cũng đã khá hoàn tất, lãnh đạo TP HCM cùng các tỉnh liên quan chờ quyết định cuối cùng từ QH. Từ dự án đường Vành đai 3 TP HCM, người dân cũng mường tượng được tầm nhìn của lãnh đạo TP HCM và các tỉnh lân cận. Trước tiên, đây là tiền đề cho sự phát triển mô hình thành phố vệ tinh của TP HCM mà trước tiên đã hình thành xong TP Thủ Đức. Trong định hướng sắp tới sẽ có 4 thành phố mới là Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn đều nằm tiếp giáp với con đường này.
Liên kết vùng, tất nhiên không chỉ là "trách nhiệm" riêng của một con đường. Nó chỉ là khởi phát cho hệ thống giao thông đồng bộ từ đường vành đai, kết nối hệ thống đường cao tốc, từ TP HCM lan tỏa đi các hướng để phục vụ cho mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng mà Chính phủ đã đặt ra.
Bởi vậy, dự án đường Vành đai 3 TP HCM mang tính cấp bách. Nó là những bước khởi đầu của một trong 3 khâu đột phá Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn", với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
Bình luận (0)