Rác thải sinh hoạt vốn đã quá tải, nay thêm lượng khổng lồ rác y tế phát sinh từ các bệnh viện, các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và từ các gia đình có F0 cách ly tại nhà.
Vận hành tối đa công suất các nhà máy rác, bổ sung giải pháp kỹ thuật để nâng công suất xử lý, xây mới nhà máy rác... là những giải pháp quan trọng để khắc phục. Thế nhưng tại không ít nơi đã diễn ra nghịch lý: Có nhà máy rồi mà lại "đắp chiếu"!
Chẳng hạn, TP du lịch Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) mỗi ngày "gánh" khoảng 400 tấn rác thải. Trước nay, tất cả đều dồn về bãi rác Bình Tú ở xã Tiến Thành, vài năm nay bãi rác này không chứa nổi nữa. Tỉnh đã cho phép một doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy xử lý rác từ năm 2016, theo thiết kế sẽ giải quyết cơ bản rác thải cho TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 6-2017. Đến tháng 7-2020, nhà máy mới chạy thử nghiệm, được 5 tháng thì "trùm mền" hẳn cho đến giờ. Nguyên nhân được cho là vướng nghiệm thu về môi trường, chưa thống nhất về kinh phí xử lý rác. Số phận của nhà máy cứ thế lênh đênh, nhiều hạng mục sẽ dần xuống cấp, gây lãng phí về mọi mặt; trong khi môi trường tiếp tục ô nhiễm nặng, chưa tìm được hướng giải quyết.
Quan sát rộng hơn thì thấy tình trạng lãng phí tiền của xảy ra ở rất nhiều nơi. Dễ thấy nhất là hàng loạt công trình ở tỉnh Thanh Hóa.
Đó là Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, khởi công từ tháng 12-2012, tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng. Tháng 11-2014, công trình được đưa vào sử dụng rồi sau đó bỏ không cho tới nay.
Khách sạn Lam Kinh ở TP Thanh Hóa cũng thế, xây từ năm 2009 trên diện tích đất 1,8 ha, tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2011. Thế rồi tòa nhà hoa lệ này cũng rơi vào cảnh đìu hiu, ngập rác, xung quanh cỏ mọc um tùm, đóng cửa hẳn cả năm qua.
Hay dự án dạy nghề y tá điều dưỡng quốc tế tại huyện Quảng Xương, mức đầu tư ban đầu 160 tỉ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2019 lên tới hơn 670 tỉ đồng; nhưng hiện nay, nơi xây công trình chỉ là bãi chăn bò, nuôi vịt.
Còn dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn có vốn đầu tư cả ngàn tỉ đồng, được khởi công xây dựng năm 2009 tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc; sau 12 năm, dự án này vẫn "bất động", gây ra bao hệ lụy đối với đời sống của người dân...
Không thể kể hết những công trình, dự án trăm tỉ, ngàn tỉ "trùm mền", "đắp chiếu" kiểu như thế ở 63 tỉnh, thành; ai thấy cũng xót nhưng trách nhiệm thì tù mù. Thực tế này đi ngược lại với tình hình khó khăn của nền kinh tế, cụ thể là thu ngân sách và chi cho đầu tư phát triển. Và dường như thực tế đó cũng thách thức cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta tiến hành rất quyết liệt.
Ai làm thất thoát công sản sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng đến khi ấy thì tài sản công hầu như chẳng thu hồi được gì. Vì thế, để ngăn chặn lãng phí từ đầu và tránh tình trạng chính quyền phê duyệt đầu tư dễ dãi, các tổ chức chính trị, đoàn thể tại địa phương phải phát huy vai trò giám sát, phản biện của mình.
Bình luận (0)