Tháng 4-2021, kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền đoạn qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được công bố với số tiền 2.811 tỉ đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home (đăng ký địa chỉ tại quận 7, TP HCM).
Sạt lở ở bờ sông miền Tây - Ảnh: THỐT NỐT
Giới xây dựng khi ấy nhận xét rằng số tiền thắng thầu 2.811 tỉ đồng là "không tưởng", siêu lớn, vênh rất xa so với mỏ cát có diện tích 60,3 ha; mức sâu khai thác dự kiến -16 m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500 m3. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ "xù kèo" là cái chắc, đó là chưa nói tới tình huống công ty này cố ý chơi nổi!
Và nay, điều không được tỉnh An Giang mong đợi đã đến. Công ty trúng đấu giá không chấp nhận đóng tiền theo quy định mà chỉ chịu nộp tiền một lần 50 tỉ đồng, đến khi khai thác sẽ tính tiếp. Trong khi đó, theo quy định thì phải nộp lần đầu là 50 tỉ đồng trong 15 ngày kể từ thời điểm UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá; nộp tiếp hơn 90 tỉ đồng trước khi UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản; 4 năm sau đó, mỗi năm nộp trên 667 tỉ đồng. Nếu công ty trúng đấu giá đòi đóng tiền theo cách riêng của mình không được và "nghỉ chơi" thì An Giang cũng không làm gì được, chỉ còn cách hủy kết quả và hoàn lại tiền cọc.
Vậy thì còn gì kỷ cương, phép tắc! Chuyện lớn và giá trị tài sản cao đến vậy mà chẳng có ràng buộc, chế tài nào đủ mạnh, để dẫn tới các bên hành xử thế nào cũng được. Mà đây chẳng phải là chuyện cá biệt của tỉnh An Giang, quy định về đấu thầu là theo luật chung trên toàn quốc, nếu cuộc đấu giá kể trên được tiến hành ở tỉnh - thành khác thì kết cục cũng có thể giống hệt như thế.
Trúng đấu giá rồi "xù" là tình trạng khá phổ biến mấy năm gần đây, thường xảy ra ở các cuộc đấu giá từ thiện. Người nổi tiếng, nghệ sĩ, doanh nhân "hét" giá cao ngất và thắng cuộc nhưng sau đó tìm mọi lý do để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Nguyên nhân thường thấy là do hợm mình, khoe khoang hoặc vì chủ ý đánh bóng tên tuổi để phục vụ cho mục đích khác.
Cũng bởi "nổ thả giàn" mà chẳng hề hấn gì nên không ít cá nhân được nước làm tới. Nổi cộm nhất trong năm nay là một công ty tư nhân đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, đến giờ vẫn chưa biết xoay đâu cho đủ để nộp; hay trước đó một doanh nghiệp rất nhỏ ở Hà Nội khai vốn điều lệ 144.000 tỉ đồng. Theo luật hiện hành thì công dân mở doanh nghiệp có quyền đăng ký vốn điều lệ thoải mái, không cần xác minh, trong một khoảng thời gian nếu không bảo đảm được số vốn đã khai thì chỉ cần đăng ký lại đúng với thực vốn; nếu công ty nào cố tình vi phạm thì mới bị phạt hành chính mức cao nhất 20 triệu đồng!
Những chuyện nêu trên gây mất niềm tin lẫn nhau trong xã hội, cũng vì pháp luật thiếu chặt chẽ. Luật pháp cũng giảm đi sự nghiêm minh vì để tồn tại những quy định "cho có"!
Bình luận (0)