Những nguyện vọng được nêu ra, đề đạt đều là vấn đề gần gũi, bức xúc, như quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), cụ thể là việc rút BHXH một lần; đề nghị rút ngắn tuổi nghỉ hưu, thời gian được hưởng hưu trí rút còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm, không kéo dài như hiện hành… cùng nhiều vấn đề đáng quan tâm khác.
Thực hiện Nghị quyết 28 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ngày 23-5-2018) về cải cách chính sách BHXH, thời gian qua, dự thảo sửa đổi Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Sau đại dịch COVID-19, cùng với tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh dẫn đến nhiều CN bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập sụt giảm nhiều, trong khi các gói hỗ trợ chậm đến tay CN…
Trong hoàn cảnh đó, nhiều CN đã lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần. Họ biết việc này sẽ khiến họ thiệt thòi quyền lợi về sau nhưng không có sự lựa chọn khác. Nhiều ý kiến đóng góp thời gian qua đều đề xuất xem xét lại các quy định về trợ cấp một lần, giảm tuổi nghỉ hưu để quyền lợi của CN được bảo đảm hơn, nhất là những trường hợp đã cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nhiều CN kiến nghị nên giữ nguyên quy định về giải quyết chế độ BHXH một lần như hiện nay theo phương án 1 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Thêm vào đó, giảm thời gian chờ đợi để rút BHXH một lần từ 12 tháng còn 3 tháng sau khi nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH để người lao động có khoản trang trải trong thời gian không có việc làm. Theo số đông CN, nếu chính sách này thay đổi sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt từ người lao động vì đây là nguồn tài sản của họ.
Từ nhiều năm qua, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Quan điểm của Đảng về BHXH trong Nghị quyết 28 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với đời sống nhân dân và người thụ hưởng; hướng cải cách Luật BHXH nhằm xây dựng trụ đỡ vững vàng hơn, tấm lưới an sinh xã hội vững bền hơn, từ đó nâng cao chất lượng sống của nhân dân, của lực lượng lao động xã hội.
Đó là điều người tham gia BHXH chờ mong, tin cậy.
Tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, đề xuất, góp ý xây dựng luật. Luật xuất phát từ thực tế sinh động của đời sống xã hội, luật được thiết kế, xây dựng, điều chỉnh để phát huy tác dụng trong đời sống, đi vào đời sống một cách sâu rộng. Những cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND với cử tri là rất cần thiết, từ sự tương tác hai chiều sẽ có những điều chỉnh văn bản pháp luật, quy định liên quan phù hợp hơn. Từ đó mang lại cho cử tri niềm tin và hy vọng về sự tiếp thu và thực thi hiệu quả.
Bình luận (0)