Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, dự luật đã đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, để tạo đột phá trong cấp vốn tín dụng cho người dân, cần thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn. Hệ thống ngân hàng đã có quy định về chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhưng chưa đồng bộ. Ở Mỹ, việc chấm điểm tín dụng được áp dụng có hệ thống cho từng người dân với các mức điểm khác nhau trong phạm vi 400-800 điểm. Tùy mức độ tín nhiệm của khách hàng sẽ có mức điểm khác nhau với lãi suất và thời gian tiếp cận vốn tín dụng khác nhau. Khi đó, khách hàng chỉ cần liên hệ tổ chức tín dụng là có thể được cấp vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng chỉ trong vài phút... Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể học hỏi cách làm đó để cấp vốn tín dụng nhanh chóng, chính xác và công bằng.
Các quy định nên được thiết kế theo hướng mở rộng cấp tín dụng tín chấp cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thay vì yêu cầu mọi khoản vay phải có tài sản thế chấp mới được ưu tiên như hiện nay. Ở Mỹ, nhiều ngân hàng thương mại cấp tín dụng dựa vào thu nhập của người đi vay trong tương lai mà không dựa vào tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần chương trình xếp hạng tín nhiệm chung, tiêu chuẩn đồng nhất để thẩm định khách hàng đúng, đủ và cần thiết.
Một trong những điểm mới của dự luật là có quy định xử lý tình huống người gửi rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại những tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Luật Các tổ chức tín dụng hiện tại đã có quy định về việc cho ngân hàng thương mại phá sản nhưng thực tế thời gian qua vẫn chưa thực hiện. Có thể thí điểm áp dụng giải pháp này với mục tiêu giúp lành mạnh hệ thống ngân hàng thương mại để tạo bước phát triển vững chắc hơn trong tương lai thay vì mua lại bắt buộc 0 đồng và trong nhiều năm chưa thể xử lý dứt điểm.
Tại báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình xử lý các tổ chức tín dụng mua bắt buộc và đặt vào kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua; làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; lý do chưa đề xuất những biện pháp mạnh như giải thể, phá sản... Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp, có sự chuẩn bị đồng bộ để phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng và trong trường hợp bắt buộc phá sản, giải thể cũng sẽ không ảnh hưởng an toàn hệ thống và nền kinh tế.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)