Tư tưởng đó rất đúng và rất cần thiết trong quan điểm chống dịch Covid-19 thời gian qua. Cái "bất biến" ở đây: SARS-CoV-2 là virus, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn mà nguy cơ lây nhiễm cao là tiếp xúc gần, qua vật dụng bị lây nhiễm và trong môi trường kín.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân cách tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh
Từ đó, Chính phủ cũng như ngành y tế đề ra chiến lược phòng chống dịch là "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả". Còn "ứng vạn biến" là chúng ta thay đổi giải pháp trong chiến lược này theo từng giai đoạn dịch, theo tình hình thực tế về sự biến chủng của virus.
Nhìn lại 4 giai đoạn dịch bùng phát, rõ ràng 3 giai đoạn đầu, chủng SARS-CoV-2 lây lan không nhanh nên chúng ta có thể thực hiện chiến lược "Zero Covid" và rất thành công. Nhưng khi bước sang giai đoạn thứ 4, với chủng Delta lây lan quá nhanh, chúng ta không thể duy trì được chiến lược "Zero Covid", không thể giãn cách diện rộng mãi vì nếu kéo dài thì tổn thất kinh tế và an sinh xã hội sẽ rất lớn.
Lúc này, chúng ta đã có vắc-xin nên có thể thực hiện "chung sống an toàn với Covid-19" để vừa phục hồi, phát triển kinh tế song vẫn bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả. Vấn đề mấu chốt là chấp nhận số ca mắc mới tăng nhưng không để có nhiều bệnh nhân nặng, không quá tải hệ thống y tế, hạn chế được số tử vong...
"Ứng vạn biến" trong phòng chống dịch bệnh là thực hiện tốt 5K. 5K không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà nó là nguyên tắc được áp dụng cho mọi tình huống phòng dịch an toàn: sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động xã hội an toàn, công sở an toàn, giao thông an toàn, chợ - siêu thị an toàn, du lịch an toàn...
Tất nhiên "dĩ bất biến ứng vạn biến" cần theo tình hình thực tế, đúc rút qua kinh nghiệm cũng như năng lực hiện có của mỗi địa phương.
Năm 2021 chúng ta chứng kiến đại dịch gây ra tổn thất vô cùng nghiêm trọng về người và của. Sự tổn thất đó không chỉ là sức khỏe, sinh mạng người dân mà còn là sự tổn thất về kinh tế. Sự tổn thất đó không chỉ là hiện tại mà trong cả tương lai, đó là những vấn đề hậu Covid-19.
Năm 2021 qua đi, chúng ta đón chào 2022 - một năm cũng chưa thật sự sáng sủa trong bối ảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do SARS-CoV-2 luôn biến chủng, đáng lo ngại khi nó biến đổi thành chủng mới Omicron lây lan nhanh.
Vậy, chúng ta cần ứng xử trong tình hình mới với quan điểm, tư duy "dĩ bất biến ứng vạn biến" như thế nào?
"Dĩ bất biến" đó là sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Mong rằng các cơ quan chức năng ứng phó với dịch bệnh một cách linh hoạt, có phương án cho người dân đón chào năm mới an toàn, vui tươi, hạnh phúc...
Mong rằng mỗi công dân hãy thực hiện tốt 5K trong sinh hoạt hằng ngày; luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; chọn phương tiện an toàn khi đi lại, sinh hoạt, vui chơi, thăm hỏi, tiếp xúc nơi công cộng...
Tất cả phụ thuộc vào việc ứng xử thông minh, trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân.
Bình luận (0)