Lý giải cho đề xuất chỉ cho NLĐ rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do đó, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi NLĐ hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
Lý giải này lập tức nhận được ý kiến phản biện của nhiều cán bộ Công đoàn và bạn đọc Báo Người Lao Động. Theo các ý kiến này, phần mà doanh nghiệp (DN) đóng BHXH chính là tiền của DN giảm bớt lợi nhuận, chứ chẳng phải tiền của người tiêu dùng hay xã hội nào đóng vào đây. Việc giữ lại khoản đó là hoàn toàn vô lý. Hơn nữa, nhu cầu cần tiền để giải quyết khó khăn trước mắt là nhu cầu có thật của NLĐ, vậy nên cứ giữ nguyên quy định hiện hành nhằm bảo đảm quyền lợi của họ. Thay vì giữ lại 14% của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH có thể cho NLĐ được vay một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn với lãi suất thấp từ chính khoản đóng góp của mình vào BHXH.
Ngay cả phía DN cũng cho rằng đề xuất này chưa phù hợp. Theo một giám đốc DN, 14% là khoản tiền DN trích nộp cho NLĐ và cơ quan BHXH chỉ là đơn vị giữ giùm. Nếu giữ lại khoản này thì cơ quan quản lý quỹ phải giải thích rõ ràng, bởi suy cho cùng đó là tiền của NLĐ.
Do đó, các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ để quyết định về đề xuất này, cần có giải pháp thấu tình đạt lý. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân và NLĐ. Cần cân nhắc để quy định lộ trình áp dụng thay đổi mức hưởng cho phù hợp, tránh gây sốc cho NLĐ.
Trong bối cảnh thu hút đối tượng và số người tham gia để phát triển BHXH, đề xuất trên càng tạo ra tác dụng ngược, kéo giảm tính hấp dẫn của chính sách BHXH, thậm chí làm xa thêm mục tiêu của một chính sách an sinh xã hội quan trọng của quốc gia. Hiệu quả của một chính sách thường được đo đếm từ chính cơ sở và đối tượng thực hiện. Khi phản hồi thông tin từ cơ sở cho thấy chính sách còn bất cập và đối tượng thực hiện thấy rõ những tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ theo hướng khó khăn hơn, chủ trương đó cần được xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp.
Đó cũng là yêu cầu của đời sống, của phát triển bền vững. Đừng quên rằng điều cốt lõi của chính sách BHXH là phải tạo niềm tin và sự đồng thuận. Làm giảm hoặc mất hai yếu tố quan trọng này thì chính sách khó thành công.
Bình luận (0)