Trước đó, ngày 18-8, 42 lao động Việt Nam cũng đã trốn chạy khỏi casino Rich World ở huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal - Campuchia, liều mình bơi qua sông Bình Di đoạn thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang để về nước. Trong quá trình trốn chạy, 1 người bị bảo vệ casino bắt giữ lại, 1 người chết đuối khi vượt sông. Số lao động này cho biết do bị nợ lương, bị cưỡng bức lao động nên buộc phải trốn chạy.
Hơn 100 người chỉ riêng 2 vụ việc nêu trên cũng cho thấy số lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm kiếm việc làm là rất nhiều.
Di cư lao động đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu với mục đích chính là tìm kiếm việc làm và thu nhập tốt hơn. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức, cá nhân đã câu kết, hình thành nên các đường dây lừa đảo người lao động, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Vấn đề đặt ra là vì sao các đường dây lừa đảo, có dấu hiệu buôn bán người vẫn hoạt động trót lọt?
Nguyên nhân chủ yếu, như đã nói, vì mục đích chính là kinh tế, nhiều người dễ dàng rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao" mà kẻ xấu giăng ra. Ngay ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ hợp tác lao động, với hơn 450 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (thường gọi là xuất khẩu lao động), tình trạng lừa đảo, di cư trái phép vẫn xảy ra thường xuyên.
Thứ đến, chất lượng di cư lao động hợp pháp thông qua con đường xuất khẩu lao động có nơi, có lúc chưa thực sự tạo được sự tin tưởng cho người lao động. Đó là tình trạng câu kết giữa doanh nghiệp với công ty môi giới ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân, "cò mồi" để đẩy chi phí lên cao, khiến người lao động kham không nổi.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền chưa đến được người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong khi "cò mồi" vẫn hoành hành nhiều nơi. Vì thiếu thông tin, hiểu biết còn hạn chế và nhẹ dạ cả tin nên không ít người lao động dễ dàng bị lừa đảo.
Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực, dành nhiều quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh việc khai thác thị trường mới, cho thu nhập cao, nhất là ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, một số quốc gia châu Âu, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng rất tích cực thực hiện Công ước ASEAN (năm 2015) về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Dù vậy, để ngăn chặn triệt để tình trạng di cư lao động trái phép và nạn buôn bán người thì phải giải quyết cho được 3 nguyên nhân đã nêu ở trên. Và, chỉ khi con đường di cư lao động hợp pháp dễ dàng tiếp cận thì tình trạng lừa đảo mới được ngăn chặn.
Bình luận (0)